Hôm 17/8, Thủ tướng Abe đã mất gần 8 giờ đồng hồ tại bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo để kiểm tra sức khỏe bổ sung. Tiếp đó, ngày 24/8, nhà lãnh đạo Nhật lại trở lại bệnh viện. Thông tin này đã gây ra một loạt đồn đoán trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản khi nhiều người nghi ngờ rằng tình hình sức khỏe của ông đang không tốt.
Truyền thông đưa tin từ văn phòng thủ tướng cho biết ông Abe trông có vẻ mệt mỏi và đi chậm hơn bình thường. Vào tuần trước, thủ tướng chỉ có mặt ở văn phòng khoảng vài giờ mỗi ngày và chủ yếu là vào buổi chiều.
Khi được hỏi liệu ông Abe có thể phục vụ một năm nữa cho đến khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào tháng 9 năm sau hay không, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết ông Abe đang trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe để xác định khả năng này.
Cùng ngày 24/8, ông Shinzo Abe đã trở thành người giữ kỷ lục về số ngày tại vị liên tục lâu nhất trong vai trò thủ tướng Nhật Bản, với 2.799 ngày kể từ khi quay lại ghế Thủ tướng vào cuối năm 2012.
Kỷ lục trước đó thuộc về cựu Thủ tướng Eisaku Sato, người đã tại vị 2.798 ngày liên tục trong 8 năm, từ năm 1964 - 1972. Trong nhiệm kỳ thứ nhất bắt đầu năm 2006, Thủ tướng Abe đã phải xin từ nhiệm chỉ sau hơn một năm do chứng bệnh viêm loét đại tràng. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về tình hình sức khỏe hiện tại của ông.
Tờ Bloomberg cho biết, nếu Thủ tướng Abe phải từ chức vì lý do sức khỏe, thủ tướng Nhật Bản tiếp theo có thể điều chỉnh chính sách với mọi vấn đề, từ quan hệ với Trung Quốc đến chính sách tiền tệ, nhưng sẽ không thay đổi quá mạnh mẽ. Kể từ khi lên nắm quyền nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã thực hiện nới lỏng tiền tệ chưa từng có và một chính sách tài khóa linh hoạt để vực dậy nền kinh tế, được gọi là “Abenomics”. Ông cũng xây dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời tìm cách làm dịu mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc.
Hiroshi Miyazaki, nhà kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định: “Không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục với chính sách tài khóa tích cực và nới lỏng tiền tệ, nhất là sau đại dịch. Nếu một nhà lãnh đạo mới muốn thay đổi các chính sách kinh tế, điều đó sẽ khiến đồng yên tăng giá và chứng khoán giảm. Không ai muốn điều đó ”.
Theo Bloomberg, dưới đây là một số gương mặt tiềm năng có thể kế nhiệm trong trường hợp Thủ tướng Abe xin rút vì lý do sức khỏe:
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 63 tuổi:
Không có tổng tuyển cử cho đến tận năm 2021, vì thế nhà lãnh đạo mới của đảng LDP cầm quyền sẽ đương nhiên kế nhiệm ghế Thủ tướng của ông Abe. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Ishiba là lựa chọn hàng đầu của cử tri. Ông đã ủng hộ các chính sách kinh tế được cho là mang tính dân túy hơn của Thủ tướng Abe và từng phát biểu hồi tháng 4 rằng quá nhiều của cải đang tích lũy trong tay các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán. Ông cũng nghi ngờ về tính bền vững của chính sách tiền tệ mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang áp dụng.
Về đối ngoại, ông Ishiba đã đồng hành với Thủ tướng Abe trong duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Tháng trước ông kêu gọi một nhóm trong đảng LDP xem xét hậu quả của việc kêu gọi hủy chuyến thăm nhà nước tới Tokyo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy vậy, ông Ishiba vẫn đang thận trọng hơn Thủ tướng Abe về nỗ lực sửa đổi bản hiến pháp hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, 57 tuổi
Bộ trưởng Quốc phòng Kono tốt nghiệp Đại học Georgetown và nói tiếng Anh thành thạo. Ông Kono từng bày tỏ hồi đầu tháng 8 này là đang phối hợp với liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ), dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng gia tăng áp lực lên Trung Quốc.
Năm 2017, Bộ trưởng Kono kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra một chiến lược cho chính sách tiền tệ siêu linh hoạt hiện tại. Ông cũng nổi tiếng vì ủng hộ chính sách cắt giảm chi phí và năm nay đã hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo Aegis Ashore, do công ty Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Động thái này khiến các cử tri hài lòng.
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, 63 tuổi
Thủ tướng Abe từng ca ngợi ông Kishida là một nhà lãnh đạo tiềm năng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng và sau đó là một vị trí cấp cao trong đảng. Nhưng cho đến nay, cựu chủ ngân hàng theo đường lối ôn hòa này vẫn chưa xây dựng được một hồ sơ mạnh trước công chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Tokyo hôm 24/8, ông Kishida cho biết ông dự kiến lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp, dựa trên tình hình của nền kinh tế. Ông kêu gọi chi tiêu mạnh để chống lại khủng hoảng kinh tế, nhưng khuyến cáo thận trọng với ý tưởng cắt giảm thuế doanh thu. Ông Kishida cũng đề cập đến sự cần thiết phải áp đặt trở lại kỷ luật tài khóa sau này.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi
Từng là cánh tay phải của Thủ tướng Abe, kể từ năm 2012, ông Suga là ứng cử viên tiềm năng trở thành người thay thế nếu ông Abe đột ngột từ chức. Năm 2007, ông Abe từ chức nhiệm kỳ đầu tiên khi đang tại vị, với lý do căn bệnh viêm loét đại tràng mãn tính ngày càng trầm trọng khiến ông không thể thực hiện nhiệm vụ của mình.
Mặc dù Suga không đưa ra một nền tảng chính sách thay thế, nhưng ông đã thúc đẩy các vấn đề cụ thể, bao gồm các khoản trợ cấp gây tranh cãi của chính phủ cho du lịch trong nước trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi
Giống như ông Suga, Bộ trưởng Aso là một thành viên nhóm cốt cán của Thủ tướng Abe và là bộ trưởng tài chính kiêm phó thủ tướng lâu năm của Nhật Bản. Tuy nhiên ở độ tuổi cao như vậy, ông chỉ thích hợp với vai trò thủ tướng thay thế nốt nhiệm kỳ.
Ông từng giữ cương vị Thủ tướng không thành công vào năm 2008-2009, và dừng nhiệm kỳ khi đảng LDP thua nặng nề trước đảng Dân chủ đối lập. trước LDP.