Thứ nhất là kế hoạch này thiếu định nghĩa thực tế về chiến thắng và chiến lược khả thi để đạt được chiến thắng. Kế hoạch của Tổng thống Zelensky không khác nhiều với lời kêu gọi ông đã lặp lại nhiều lần trong hơn hai năm, đó là thêm vũ khí của Mỹ và châu Âu đồng thời bật đèn xanh cho việc phóng tên lửa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo tờ Wall Street Journal, kế hoạch này thiếu một chiến lược toàn diện để giành chiến thắng, khiến các quan chức cấp cao của Mỹ và châu Âu "không mấy ấn tượng”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New Yorker, ông Zelensky thừa nhận rằng "không có thay đổi nào trong suy nghĩ của tôi" về chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky mong muốn chiến thắng "công bằng", mà ông định nghĩa là giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ Nga, bao gồm cả Crimea, và con đường để Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Nga đã sáp nhập Crimea trong một thập niên. Trong khi việc Ukraine gia nhập NATO từ lâu đã là lằn ranh đỏ của Nga.
Thứ hai, kế hoạch của ông Zelensky chưa chú ý đến thực địa chiến trường. Nga đã có những bước tiến dần dần đều đặn ở tiền tuyến. Sau khi giành quyền kiểm soát thị trấn khai thác than phía Đông Ugledar ngày 9/10, lực lượng Nga đang tiến sâu hơn vào Pokrovsk. Việc chiếm giữ Pokrovsk sẽ mang lại cho Nga lợi thế chiến lược trong việc kiểm soát phần còn lại của Donbas. Pokrovsk vốn là thành phố kết nối bảy tuyến đường bộ và đường sắt khác nhau. Do đó, quân đội Ukraine đã tận dụng Pokrovsk để tiếp tế cho lực lượng.
Trong khi đó, tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga đã bắn phá dữ dội Kiev trong suốt tháng 9. Đảo ngược tình hình hiện tại là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ukraine.
Tình báo Mỹ cũng thừa nhận trong một báo cáo gần đây rò rỉ trên tờ New York Times, rằng ngay cả khi Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga, thì điều đó cũng không thay đổi quỹ đạo của xung đột theo cách cơ bản. Số lượng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) cung cấp cho Ukraine là không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Cả Mỹ và châu Âu đều không có năng lực sản xuất để nhanh chóng tăng cường kho vũ khí đang cạn kiệt của họ.
Thứ ba, Nga đánh bại Ukraine nếu xét về kinh tế quốc phòng. Theo Nghị viện châu Âu, GDP của Ukraine đã giảm gần 30% vào năm 2022, do hậu quả của xung đột với Nga. Trong khi doanh thu thuế của Ukraine giảm, tổng chi tiêu của nước này đã tăng 270% từ năm 2021 đến năm 2023, với chi tiêu quốc phòng và an ninh tăng mạnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán rằng nếu Ukraine xung đột kéo dài thêm một năm sau 2024, mức nợ công của nước này, hiện ở mốc gần 100%, sẽ vương lên gần 140% GDP. Trong những năm tới, Ukraine sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính bên ngoài.
Trong khi đó, Nga đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, lên tới 7,5% GDP.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Joe Biden đã hủy chuyến công du 4 ngày tới Đức trong tuần này, với lịch trình tham dự một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Volodymyr Zelensky dành cho Ukraine.
Nhà Trắng tối 8/10 tuyên bố rằng Tổng thống Biden ở lại Mỹ để giám sát công tác chuẩn bị và ứng phó với siêu bão Milton. Không rõ sự vắng mặt của ông Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết rằng chuyến công du của Tổng thống Biden sẽ được lên lịch lại. Nhà lãnh đạo Đức chia sẻ: "Đó sẽ là cuộc họp rất quan trọng và chúng tôi đã chuẩn bị cho nó ở mọi phía”. Tổng cộng có 20 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. Họ sẽ lắng nghe Tổng thống Zelensky tiết lộ phiên bản mới nhất của "kế hoạch chiến thắng" nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Phiên bản mới dự kiến sẽ tập trung nhiều vào yêu cầu cho phép Ukraine bắn Storm Shadow và các tên lửa tầm xa khác của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Biden đã phản đối việc cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadow của Anh-Pháp, vốn dựa trên công nghệ của Mỹ, hoặc tên lửa Atacms của Mỹ.