Quân đội Mỹ tổng hợp các hệ thống vũ khí có thể giúp Ukraine chiến đấu với Nga

Trong một báo cáo tuyệt mật về chiến lược Ukraine của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi cho Quốc hội hồi đầu tháng 9, chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ tại châu Âu đã đính kèm một danh sách các hệ thống vũ khí nước này có thể giúp Ukraine chiến đấu hiệu quả hơn.

Chú thích ảnh
Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài truyền hình CNN, các loại vũ khí này chưa được chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Kiev, bao gồm tên lửa không đối đất JASSM và mạng lưới liên lạc an toàn có tên gọi Link 16 đã được NATO sử dụng. Link 16 là một hệ thống chia sẻ dữ liệu Mỹ và NATO sử dụng, cho phép liên lạc liền mạch hơn giữa các hệ thống chiến đấu và đặc biệt hữu ích cho công tác chỉ huy và kiểm soát phòng không và phòng thủ tên lửa. Một nguồn tin quen thuộc trong chính phủ cho biết Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp cả hai hệ thống.

Bản danh sách vũ khí trên do Tướng Chris Cavoli - Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu – biên soạn. Trong báo cáo, Tướng Cavoli không nêu rõ lý do vì sao Mỹ chưa cung cấp các hệ thống mà theo ông đánh giá là hữu hiệu đối với quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, trước đó, nhiều quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại công nghệ tối tân và bảo mật của Mỹ như hệ thống Link-16 sẽ rơi vào tay Nga, trong khi đó, tên lửa không đối đất được phóng từ chiến đấu cơ cũng không có tác dụng mấy đối với quân đội Ukraine trừ khi lực lượng chiếm được ưu thế trên mặt trận trên không.

Trong gần 3 năm xảy ra xung đột với Nga, Ukraine liên tục yêu cầu Mỹ cung cấp các loại vũ khí tối tân hơn và dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến bầu cử Mỹ và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vẫn còn hiện diện, số phận về nguồn viện trợ cho Ukraine trong tương lai vẫn còn là một ẩn số.

Về phần mình, cho đến giờ, Tổng thống Biden vẫn kiên định từ chối yêu cầu cho phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Các quan chức Mỹ chỉ khẳng định họ đang cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà quân đội Mỹ đánh giá là Kiev cần tại thời điểm này.

Đề phòng kịch bản cựu Tổng thống Trump thắng cử vào tháng 11 tới, Mỹ và các đồng minh đang gấp rút tìm cách đảm bảo Ukraine có được những gì nước này cần cho đến hết năm 2025. Hồi tháng 7, NATO đã thiết lập cơ chế riêng để tạo điều kiện cho viện trợ và huấn luyện quân sự cho Ukraine. Lầu Năm Góc cũng đang tiến gần hơn đến việc cung cấp hợp đồng cho các công ty tư nhân của Mỹ để đến Ukraine, hỗ trợ bảo dưỡng thiết bị và hậu cần tại đây.

Nhìn chung, Mỹ hy vọng năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt đối với khả năng duy trì nỗ lực chiến đấu trước Nga của Ukraine.

Hiện tại, bức tranh trên chiến trường vẫn còn mơ hồ. Trong khi Nga đã đạt được những bước tiến vững chắc ở phía Đông Ukraine thì Kiev cũng đang duy trì quyền kiểm soát một phần vùng lãnh thổ bên trong nước Nga. Tuy nhiên, các quan chức đều nhận định nếu cuộc chiến kéo dài, lực lượng Ukraine sẽ khó có thể trụ vững khi cùng lúc căng mình chiến đấu ở mặt trận phía Đông vừa lo giữ quyền kiểm soát tại vùng lãnh thổ Nga.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Mỹ đáp trả khi Tổng thống Ukraine cáo buộc phương Tây 'kéo dài' việc cung cấp vũ khí tầm xa
Mỹ đáp trả khi Tổng thống Ukraine cáo buộc phương Tây 'kéo dài' việc cung cấp vũ khí tầm xa

Tổng thống Ukraine đã đề cập đến các hạn chế từ Mỹ và Anh trong việc sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, khiến Kiev cảm thấy như "chiến đấu với một tay bị trói sau lưng". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN