Chính vì vậy, việc rửa tay đúng cách từ lâu đã được tuyên truyền là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn việc lây lan các mầm bệnh. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các cơ quan phòng ngừa dịch bệnh trên toàn cầu đều đồng ý rằng việc hình thành và duy trì thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch là cách ngăn chặn hiệu quả nhất các mầm bệnh lây nhiễm.
Chắc hẳn sau các đợt bùng phát dịch tả, Ebola và mới nhất là COVID-19, không còn ai nghi ngờ rằng rửa tay với xà phòng chính là cách ứng phó quan trọng. Điều này cũng đúng với các bệnh lưu hành như tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp vốn vẫn là những căn bệnh thường gặp ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Những ca mắc viêm đường hô hấp cấp do giữ vệ sinh tay không đúng cách chiếm khoảng 14% số các ca bệnh nhóm này. Các cơ sở như trường học hay trung tâm y tế, vốn là những "chốt chặn" quan trọng của công tác ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, hoàn toàn có thể trở thành "ổ dịch" nếu không đảm bảo thực hành tốt việc rửa tay.
Đến nay, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rửa tay đúng cách giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm như giảm 30% số ca mắc bệnh liên quan tiêu chảy và 20% số ca bệnh hô hấp như cảm lạnh hay cảm cúm. Với trẻ ở độ tuổi đến trường, hơn 1 triệu trẻ trên toàn cầu tử vong mỗi năm vì các bệnh tiêu chảy và việc rửa tay với xà phòng và nước có thể giúp ngăn chặn 70% số ca tử vong đáng tiếc này. Trẻ em trên thế giới nghỉ học tổng cộng 443 triệu ngày mỗi năm vì các bệnh liên quan nguồn nước và việc rửa tay đúng cách giúp giảm đáng kể số ngày gián đoạn học tập này.
Việc rửa tay thường xuyên cũng giúp giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước thu nhập trung bình và thấp. Tỷ lệ này có thể được nâng lên 42-47% nếu các biện pháp can thiệp bằng rửa tay liên tục được thực hiện đúng quy trình. Rửa tay đúng cách với xà phòng và nước giúp giảm 17% các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp ở các nước thu nhập trung bình và thấp, giảm đáng kể gánh nặng bệnh hô hấp nói chung, giảm 36% nguy cơ mắc bệnh theo mùa do virus thuộc chủng corona gây ra. Vệ sinh tốt giúp giảm 27% nguy cơ tử vong vì các bệnh lây nhiễm ở trẻ sơ sinh tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của rửa tay giúp giảm 23-40% số người mắc các bệnh liên quan tiêu chảy, giảm 29-57% số ngày nghỉ học ở trẻ em do các bệnh đường ruột, giảm 58% nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy ở người có hệ miễn dịch yếu, giảm 16-21% nguy cơ mắc bệnh hô hấp, như cảm lạnh, trong toàn dân.
Rửa tay với xà phòng có thể cứu mạng sống và việc đầu tư nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh đôi bàn tay được chứng minh là khoản đầu tư hiệu quả và tiết kiệm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế. Không chỉ góp phần giúp mỗi người giảm nguy cơ mắc các bệnh nêu trên, việc giữ vệ sinh đôi tay còn giúp giảm gánh nặng tài chính từ những ca bệnh và ca tử vong vì các nguyên nhân liên quan tới thói quen này.
Theo tổ chức Wateraid, mỗi 1 USD đầu tư cho các biện pháp vệ sinh sẽ giúp tiết kiệm 15 USD chi phí chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tay tại nhà cho mỗi người ở mọi nơi có thể giúp mang lại khoản lợi ích ròng có giá trị 45 tỷ USD/năm. Đầu tư cho hệ thống nước sạch và an toàn, vệ sinh giúp tạo khoản tiết kiệm kinh tế lớn, có giá trị gấp 21 lần chi phí bỏ ra.
Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận với những điều kiện cần để thực hành vệ sinh đôi bàn tay không phải ở đâu cũng như nhau nếu như không nói là bất công một cách nghiêm trọng. Gần 2 tỷ người dân trên thế giới vẫn chưa thể tiếp cận những dịch vụ vệ sinh cơ bản, trong đó 653 triệu người không có điều kiện đủ để rửa tay tại nhà. Theo Liên hợp quốc (LHQ), 818 triệu trẻ em trên thế giới không có điều kiện rửa tay với nước và xà phòng ở trường học, 462 triệu trẻ em đến trường mà không hề có chỗ rửa tay. Trên toàn cầu, 43% số trường học không có các dịch vụ rửa tay cơ bản và 49% các sơ cở y tế không có điểm rửa tay gần hoặc trong nhà vệ sinh hoặc ở nơi chăm sóc bệnh nhân.
Bất bình đẳng tồn tại trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong việc rửa tay cũng có sự chênh lệch về điều kiện giữa các vùng và các nước, giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Ở hầu hết các nước, cơ hội được rửa tay đúng cách tại nông thôn thấp hơn tại thành thị. Người trong nhóm nghèo nhất cũng ít cơ hội vệ sinh đôi tay với xà phòng và nước vào những lúc cần thiết trong ngày nhất.
Không chỉ thiếu các điều kiện vệ sinh tay mà kể cả khi đã có sẵn các điều kiện thì việc rửa tay đúng cách và duy trì thói quen này cũng là một thách thức. Ước tính, năm 2022, việc giữ vệ sinh tay không đúng cách là một phần nguyên nhân dẫn tới 394.000 ca tử vong vì các bệnh tiêu chảy, 356.000 ca tử vong vì các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Theo Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu, đơn vị khởi xướng Ngày Rửa tay toàn cầu 15/10 hằng năm, chưa đến 20% tổng số dân trên thế giới hiện đang thực hành rửa tay vào những thời điểm quan trọng trong ngày như trước và sau khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt xì…Kể cả ở những nơi mà thói quen rửa tay đã hình thành từ lâu, nước và xà phòng sẵn có thì nhiều người dân cũng chưa rửa tay đúng quy cách.
Hiện nay chỉ có 13% số quốc gia có báo cáo các dữ liệu về vệ sinh là đang thực hiện đúng lộ trình để đạt được mục tiêu phát triển bền vững có liên quan. Theo WHO, để tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi tiếp cận những dịch vụ rửa tay cơ bản vào năm 2030 như mục tiêu đề ra, thế giới cần nhiều hơn nữa các nỗ lực so với hiện tại.
Có thể thấy, thế giới đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu về cách thức phòng nhiều loại bệnh tật bắt nguồn từ đôi tay, từ đó đúc kết rằng thói quen giữ gìn vệ sinh tay đã ngày càng được tin tưởng là biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa nhiều dịch bệnh. Vài năm trở lại đây, thói quen rửa tay được chú trọng và quan tâm thúc đẩy hơn. Đặc biệt, trải qua đại dịch COVID-19, biện pháp này càng được các chính phủ thúc đẩy giúp đưa đến sự hình thành một thói quen bao phủ toàn cầu.
Không phải ngẫu nhiên mà một năm thế giới có 2 ngày quốc tế chỉ dành riêng cho 2 bàn tay của con người đó là Ngày Vệ sinh tay thế giới 5/5 của WHO và Ngày Rửa tay thế giới 15/10 của Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu. Chủ đề Ngày Rửa tay thế giới 2023 là “Những bàn tay sạch trong tầm với”, nhằm thúc đẩy vai trò đi đầu và các nỗ lực tập thể hướng tới thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận và thực hành để đạt được mục tiêu vệ sinh tay cho tất cả mọi người. Ai cũng có vai trò nhất định để đảm bảo ngày càng có thêm nhiều bàn tay được giữ gìn vệ sinh đúng cách. Để giữ cho các cộng đồng khỏe mạnh, rửa tay với xà phòng phải là ưu tiên ngay từ bây giờ cũng như trong tương lai.