Trong báo cáo triển vọng thị trường vàng mới nhất, WGC cho biết, nhu cầu về vàng miếng và tiền xu ở Trung Quốc trong quý III/2023 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong ba tháng cuối năm nay. Những bất ổn về kinh tế và chính trị, biến động tiền tệ và việc dự trữ của ngân hàng trung ương đều thúc đẩy làn sóng mua vàng.
WGC cho biết thêm: “Sự mong manh của đà phục hồi kinh tế trong nước, cùng với rủi ro địa chính trị toàn cầu ngày càng gia tăng, có thể tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với vàng”. Giá vàng giao kỳ hạn của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đã tăng vào phiên 31/10 lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhu cầu của Trung Quốc cũng được thúc đẩy trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế chậm khiến các tài sản khác từ bất động sản đến cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Dữ liệu công bố hôm 31/10 cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã giảm trở lại trong tháng 10, chứng tỏ nền kinh tế vẫn còn mong manh.
Giá vàng toàn cầu tuần trước đã vượt mốc 2.000 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về xung đột ở Trung Đông. Kim loại quý này, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn, đã đạt mức cao kỷ lục vào giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế trên toàn thế giới.
WGC cho biết: “Nhu cầu vàng đã ổn định trong suốt năm nay, hoạt động tốt trước những trở ngại của lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, với căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh mua vào, nhu cầu vàng có thể tăng bất ngờ”.
Báo cáo của WGC cho biết thêm, sức hấp dẫn của vàng ở Trung Quốc sẽ được tăng cường hơn nữa nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) tiếp tục xây dựng kho dự trữ trong một trong những đợt mua dài nhất của họ. Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý rằng Tết Nguyên đán năm 2024 muộn hơn một chút so với thường lệ có thể làm trì hoãn nhu cầu vàng trong quý đầu tiên của năm tới.