Nhu cầu hầm trú ẩn ở Nga và Ukraine tăng cao

Cho dù các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định phải ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, nhưng một số người dân Nga và Ukraine đã tự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất khi xung đột giữa hai nước vẫn chưa chấm dứt.

Nhu cầu tăng vọt ở Nga

Chú thích ảnh
Một hệ thống lọc không khí tại một nơi trú ẩn dưới lòng đất. Ảnh: Sputnik

Đài RT dẫn nguồn của RBK đưa tin các nhà sản xuất hầm trú ẩn riêng ở Nga cho biết mối quan tâm đến các hầm trú ẩn tăng vọt ở Nga sau khi nước này bắt đầu lệnh động viên một phần vào tháng 9.

Ngày 14/11, ông Nikita Malezhik, người sáng lập dự án BunkerHouse, cho biết cụ thể: “Sau ngày 21/9 khi Tổng thống Putin công bố khởi động lệnh động viên, nhu cầu tăng mạnh. Số lượng yêu cầu trên trang web của chúng tôi đã tăng 430%”.

Ông nói thêm rằng chưa từng có chuyện như vậy xảy ra trước đây, đồng thời cho biết một số khách hàng muốn có boongke riêng ngay lập tức.

Ông Malezhik kể: “Có người đã gọi và nói rằng họ cần một nơi trú ẩn cho 9 người vào ngày mai. Điều đó là không thể vì xây dựng thường mất hai hoặc ba tháng”.

Tuy nhiên, không phải cứ ai gọi điện yêu cầu đều sẽ xây boongke thực sự. Rủi ro hạt nhân đã giảm và nhu cầu sau đó đã giảm xuống.

Trong khi đó, ông Danila Andreyev, Giám đốc điều hành nhà sản xuất nơi trú ẩn Spetsgeoproekt, cũng cho biết nhu cầu tăng ít nhất ba lần sau khi Nga công bố lệnh huy động một phần.

Nhìn chung, mối quan tâm đến các boongke riêng cao hơn bình thường kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.

Theo ông Andreyev, công ty ông đã nhận được một số yêu cầu xây boongke từ những người ở các khu vực gần biên giới Nga - Ukraine, trong đó có nhiều người yêu cầu họ biến các tầng hầm trong nhà thành hầm tránh bom.

Các khu vực biên giới Belgorod, Kursk và Bryansk của Nga thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của Ukraine trong cuộc xung đột.

Người Ukraine chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Còn tại Ukraine, tâm lý lo sợ hạt nhân vẫn lơ lửng trên đầu.

Chú thích ảnh
Người dân trong hầm tránh bom của một trường học tại Velyka Novosilka, Ukraine. Ảnh: Getty

Tổ chức từ thiện Serhiy Prytula ở trung tâm thành phố Kiev có một hầm tránh bom trong bãi đậu xe bên dưới tòa nhà để bảo vệ nhân viên khỏi các cuộc tấn công thông thường. Tổ chức này cũng có một hầm trú ẩn khác được sử dụng trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Hầm trú ẩn hạt nhân có thuốc men, thực phẩm, nước uống, đèn pin và pin.

Chính quyền ở khu vực Kiev có hàng trăm nơi trú ẩn có thể được sử dụng trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Các hầm trú ẩn nằm dưới mặt đất, có hệ thống thông gió, hai lối vào và đến ngày 15/11 phải được trang bị bộ đàm.

Các cơ quan chính phủ của Ukraine gần đây cũng đã công bố các hướng dẫn chi tiết về những việc cần làm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Hướng dẫn chi tiết mọi thứ từ việc không nhìn vào vụ nổ đến việc che tai để tránh bị sóng xung kích, cởi bỏ quần áo đã tiếp xúc với bức xạ.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ của Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine tham dự một cuộc diễn tập ở thành phố Zaporizhzhia trong trường hợp có thể xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Ảnh: AFP 

Đầu tháng 10, chính quyền thủ đô Kiev cho biết thành phố có đủ thuốc kali iotua (thuốc giúp ngăn chặn tuyến giáp hấp thụ iốt phóng xạ) để phân phối cho các cơ sở y tế và bác sĩ gia đình.

Trong khi đó, nhiều người dân Kiev đang tự mua kali iotua. Người nước ngoài ở Kiev đang thực hiện các biện pháp tương tự.

Trong những tuần gần đây, các nhân viên làm việc cho một dự án do Liên minh châu Âu tài trợ đã nhận được hướng dẫn cặn kẽ về những việc cần làm trong trường hợp bị tấn công hạt nhân hoặc bom bẩn.

Quân đội Ukraine ở tiền tuyến đã được cung cấp các viên iốt kali và cũng được huấn luyện về những việc cần làm trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Tuyên bố của các bên

Chú thích ảnh
Bên trong một hầm tránh bom thời Chiến tranh Lạnh ở Kiev. Ảnh: CBC

Trước đó, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã cảnh báo rằng mục tiêu của Ukraine trong chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất là mối đe dọa đối với sự tồn tại, gây chia cắt nước Nga ngày nay và đây là một lý do trực tiếp để Nga thực hiện răn đe hạt nhân.

Sau đó, Trung Quốc đã cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, không thể tiến hành chiến tranh hạt nhân”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sẽ là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Về phần mình, ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, trong đó kêu gọi 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thể hiện tinh thần sẵn sàng từ bỏ những ý định xâm phạm lợi ích quốc gia của nhau bằng cách kích động các hành động khiêu khích với vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo tuyên bố, nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Nga về lĩnh vực răn đe hạt nhân là không thể chấp nhận chiến tranh hạt nhân, trong đó không thể có bên nào giành chiến thắng. Nga cũng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy biến động hiện nay, nhiệm vụ ưu tiên của Nga là ngăn chặn xung đột quân sự giữa các cường quốc hạt nhân.

Thùy Dương/Báo Tin tức (RT, Politico)
Nga sẵn sàng cho phép IAEA tiếp cận cơ sở hạt nhân ở Sevastopol
Nga sẵn sàng cho phép IAEA tiếp cận cơ sở hạt nhân ở Sevastopol

Nga sẵn sàng đảm bảo quyền tiếp cận cơ sở hạt nhân ở Sevastopol theo một phần của việc thực thi các bảo đảm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN