Giới chức lãnh đạo Hải quân Mỹ ngày 3/9 cho biết nhóm 5 tàu Hải quân Trung Quốc xuất hiện gần đây trên Biển Bering ngoài khơi tiểu bang Alaska của Mỹ, trong thời gian Tổng thống Barack Obam đang có chuyến thăm khu vực này, đã bắt đầu rút lui.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời Tư lệnh Các chiến dịch Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert thông báo các tàu của Hải quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi khu vực ngoài khơi bang Alaska, đồng thời cho biết thêm ông không coi vụ việc này là bất ngờ hay đáng quan ngại. Giới chức quân sự Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang tiếp tục theo dõi di chuyển của nhóm tàu Trung Quốc.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nêu rõ: “Đây chắc chắn là lần đầu tiên chúng tôi thấy các tàu Hải quân Trung Quốc xuất hiện tại Biển Bering. Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng quyền tự do của tất cả các nước triển khai tàu quân sự trên các vùng biển quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ngày 2/9, Lầu Năm Góc xác nhận trong mấy ngày qua quân đội Mỹ biết rằng 3 tàu chiến Trung Quốc, cùng với một tàu hậu cần và một tàu đổ bộ, đã xuất hiện tại vùng biển ngoài khơi bang Alaska sau khi theo dõi các tàu này di chuyển về phía Quần đảo Aleutian, nơi chia cắt các vùng lãnh thổ do Mỹ và Nga kiểm soát. Nhóm tàu của Hải quân Trung Quốc xuất hiện đúng thời điểm Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Alaska nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: "Đây là lần đầu tiên (các tàu Trung Quốc) xuất hiện gần Quần đảo Aleutian".
Sự xuất hiện của các tàu Hải quân Trung Quốc tại khu vực gần bờ biển của Mỹ là bằng chứng mới nhất cho thấy Hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng các hoạt động tầm xa. Vài năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới việc sử dụng Tuyến đường Biển Bắc để vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và phương Tây đi qua Bắc Cực vì sẽ rút ngắn hải trình được vài ngày so với tuyến hàng hải đi qua kênh đào Suez như hiện nay.
Vào năm 2012, tàu phá băng Rồng Tuyết trở thành chiếc tàu đầu tiên của Trung Quốc đi qua Tuyến đường Biển Bắc và kể từ đó, một số tàu thương mại nước này đã sử dụng tuyến đường nói trên. Bắc Kinh cũng quan tâm tới việc thăm dò các nguồn năng lượng ở Bắc Cực và từ năm 2013 đã trở thành nước quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực, tổ chức gồm có các thành viên Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.