Nhóm kín trên mạng xã hội – Mảnh đất màu mỡ của tin giả COVID-19

Các nền tảng mạng xã hội ra sức chống tin giả về virus Corona, nhưng họ có lẽ phải bó tay với tin giả lan truyền trong các nhóm trò chuyện kín.

Theo trang tin tức Vox (Mỹ), từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (COVID-19) bùng phát, tin đồn và tin giả về dịch bệnh bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Người dùng cần cảnh giác với tin giả trong các nhóm kín trên mạng xã hội. Ảnh: Getty Images

Con người trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi có thể dễ dàng tin theo những tin đồn vô căn cứ hoặc nghe theo những lời hướng dẫn mù quáng

Lan truyền tin giả là chuyện thường xảy ra trên mạng xã hội, nơi mà việc chia sẻ nội dung từ các nguồn tin sai thường xảy ra nhanh hơn quá trình kiểm chứng thông tin. Đó là tại sao tin đồn liên quan dịch bệnh COVID-19 “được mùa” trên Youtube, TikTok, Facebook, Twitter, WhatsApp…

Gần đây, có nhiều video trên YouTube nói về “sự thật” của virus hiện lên bảng tin video của người. Còn trên Twitter, có tới cả triệu dòng tweet nói Chính phủ Mỹ có vai trò trong tạo ra virus Corona chủng mới. 

Có thể chính người bạn thân nhất của dì bạn mà bạn kết bạn trên Facebook đang chia sẻ những bài viết vô căn cứ về virus.

Có nhiều thứ chúng ta thực sự chưa biết về virus và với những người tạo ra nền tảng mạng xã hội, quá trình phân biệt thông tin đúng và sai rất khó khăn. Sự khó khăn càng nhân lên khi thông tin giả bị phát tán, chia sẻ trong các nhóm trò chuyện kín.

Ví dụ, những người phản đối tiêm vaccine thường tập trung vào các nhóm kín Facebook để chia sẻ thông tin sai lệch nghiêm trọng về việc tiêm vaccine. Những thông tin này sau đó có thể tìm đường tới bảng tin của những người dùng Facebook không ở trong nhóm đó. 

Các nhóm kín khó kiểm soát hơn là bảng tin chung và trong các nhóm này, thông tin giả được phổ biến mạnh. 

Có báo cáo cho biết các nhóm tương tự đang phát tán nội dung lừa gạt về virus Corona, khiến người dùng hoảng sợ vì những lý do có thể không có căn cứ.

Facebook, Twitter, YouTube và TikTok đều cam kết ngăn chặn những bài đăng kiểu này phát tán rộng. Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc điều hành Facebook ngày 3/3 đăng tuyên bố cam kết Facebook sẽ đánh dấu mọi thông tin cần kiểm chứng và cũng sẽ khóa quảng cáo từ các công ty mờ ám tìm cách trục lợi trên nỗi sợ của mọi người. 

Tuy nhiên, với các tin nhắn riêng và cuộc trò chuyện trong nhóm kín - nơi mà bạn bè, thành viên gia đình, đồng nghiệp, hội phụ huynh có thể thảo luận mọi thứ từ tin đồn cho tới những vấn đề nghiêm trọng hơn, thì việc kiểm soát tin giả dường như là điều bất khả thi.

Tin đồn trên các ứng dụng nhắn tin không chỉ lan truyền giữa hai cá nhân hay các thành viên trong nhóm mà sẽ lan ra nhiều người khác, nhóm khác, cho tới khi vô số người không dùng mạng xã hội cũng biết. 

Nguồn của những tin giả, tin đồn này thường không tồn tại nhưng tác động của chúng rất nặng nề. 

Khi người ta đồn rằng đầu bếp các nhà hàng Trung Quốc ở các phố người Hoa có thể mang virus, nhiều người tin theo sẽ không tới đó ăn nữa. Hậu quả là các doanh nghiệp Đông Á ở Mỹ mất nhiều thực khách. Hay như tin đồn lan trên ứng dụng Kakao Talk (Hàn Quốc) đã khiến các nhà hàng ở phố Hàn Quốc tại Los Angeles mất một nửa doanh thu. Khi nghe tin đồn là ăn ở các nhà hàng này có thể nhiễm virus Corona, nhiều người Hàn Quốc ở Los Angeles tránh khu vực này hàng loạt. Tin đồn đó không có căn cứ nào nhưng tác động của nó thật khủng khiếp.

Các công ty mạng xã hội có thể kiểm soát nội dung trên nền tảng chung ở một mức độ nào đó, nhưng với các tin nhắn riêng, các nhóm kín thì họ lại không thể can thiệp.

Liệu các công ty mạng xã hội có nên tăng cường ngăn chặn người dùng phát tán tin đồn sai sự thật hay chính cá nhân từng người trong nhóm trò chuyện kín phải có trách nhiệm?

Câu trả lời không dễ dàng và đơn giản. Nếu can thiệp bằng cách kiểm soát tin nhắn của người dùng, các công ty sẽ bị coi là vi phạm quyền riêng tư của người dùng và với họ, biện pháp này có thể là bất khả thi. 

Để ngăn chặn tin giả trong các nhóm kín, trước mắt chỉ có thể trông chờ vào sự tỉnh táo của từng thành viên.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đọc và chia sẻ tin giả về dịch COVID-19 là tiếp tay cho dịch bệnh
Đọc và chia sẻ tin giả về dịch COVID-19 là tiếp tay cho dịch bệnh

Từ đêm 6/3 đến sáng 7/3, trên các trang Facebook, Youtube, Instagram… đang xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về dịch COVID-19 tại Hà Nội, gây nhiễu loạn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN