Theo trang nknews.org, các quan chức cấp cao của các nước thành viên G7 đã khẳng định cam kết phối hợp nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Các nước G7 – bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản – nhấn mạnh sẽ hợp tác để phi hạt nhân hóa và giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên “một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Tuyên bố chung của nhóm G7 có đoạn nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại rằng Triều Tiên nay đang nghĩ nước này không còn bị cấm thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa nữa. Chúng tôi nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không bao giờ được chấp nhận là một cường quốc hạt nhân”.
Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Washington D.C. Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã khẳng định quyết tâm củng cố quan hệ đồng minh, hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.
Liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau khi Bình Nhưỡng nối lại vụ thử tên lửa mà Washington và Tokyo cho là tên lửa đạn đạo vào tháng trước. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tìm kiếm một giải pháp ngay lập tức đối với vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây.
Đầu tháng này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn là trọng tâm trong mọi chính sách mới của Washington đối với Bình Nhưỡng, đồng thời lưu ý thêm rằng Mỹ sẽ sớm hoàn tất việc xem xét lại các chính sách.
Ông Ned Price đồng thời khẳng định bất kỳ chính sách nào của Mỹ đối với Triều Tiên đều sẽ được thực hiện cùng các đồng minh quan trọng, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các chính sách trong vấn đề Triều Tiên với các đồng minh chủ chốt. Ông Price không đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu chính sách mới của Mỹ đối với Triều Tiên có thể được sửa đổi sau cuộc họp của các cố vấn an ninh hay không, tuy nhiên, ông cho biết cuộc gặp này sẽ "là dịp để Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp ý kiến".
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/4, một cơ quan nghiên cứu cho biết Triều Tiên tiếp tục tiến hành các hoạt động trên một sà lan chìm thử tên lửa tại nhà máy đóng tàu Nampo. Điều này cho thấy điều này có thể nằm trong tiến trình chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo mới.
Beyond Parallel, một dự án của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, đã trích dẫn hình ảnh vệ tinh chụp ngày 19/4 cho biết “Triều Tiên đã đặt một vật thể hình trụ trên sà lan chìm thử tên lửa ở Nampo”.
Beyond Paralle nhấn mạnh chỉ riêng hình ảnh vệ tinh trên thì không thể xác định được khả năng sẽ xảy ra một vụ phóng tên lửa trong thời gian tới, song lưu ý rằng vật thể hình trụ có thể là ống phóng cho một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Bình Nhưỡng đã tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, tuy nhiên năm 2019 họ tuyên bố rằng không còn bị ràng buộc bởi những hạn chế như vậy. Quốc gia này đã tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào tháng 3 vừa qua sau một năm tạm gián đoạn.