Nhiều nước ra tuyên bố nhân dịp 5 năm phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực

Ngày 11/7 (theo giờ Mỹ, sáng 12/7 theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo báo chí nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về Biển Đông.

Chú thích ảnh
Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Thông cáo nêu rõ tự do của các vùng biển là lợi ích lâu dài của tất cả các quốc gia, đồng thời có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế từ lâu đã được hưởng lợi nhờ một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, nơi luật pháp quốc tế, như thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, qui định khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên các đại dương và vùng biển. Bộ luật quốc tế này đặt nền tảng cho các hoạt động và hợp tác phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời đóng vai trò then chốt đối với việc đảm bảo dòng thương mại toàn cầu tự do lưu thông.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng không có nơi nào trên thế giới trật tự hàng hải dựa trên luật pháp lại đang bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông. Trung Quốc đang tiếp tục đè nén và hăm dọa các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải ở tuyến đường thủy quốc tế trọng yếu này.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của nước này với luật pháp quốc tế, ngừng lối hành xử gây hấn, đồng thời có những bước đi nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng các quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Trong một thông điệp riêng đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter cùng ngày nhân dịp 5 năm phán quyết của PCA, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các quyền trên biển và vì sự tự do của vùng biển này.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Ngày 12/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết năm 2016 của PCA về Biển Đông, đồng thời khẳng định Tokyo phản đối bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông trái với quy định của UNCLOS.

Tuyên bố nhân dịp 5 năm ngày PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh các bên cần tuân thủ phán quyết, bởi đây là "phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS”.

Ông Motegi khẳng định tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS. Nhật Bản một lần nữa phản đối các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trái với quy định của UNCLOS. Tokyo cũng quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay, đồng thời tái khẳng định phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Theo Ngoại trưởng Motegi, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia liên quan để duy trì và tăng cường trật tự hàng hải dựa trên thượng tôn pháp luật và hiện thực hóa “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ”.

Cũng trong ngày 11/7 (giờ Canada), Bộ Ngoại giao Canada đã ra tuyên bố “tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này”, đồng thời nhấn mạnh phán quyết của PCA là “cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ các cam kết đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Bên cạnh đó, Canada cam kết ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Theo Ottawa, những nguyên tắc này là “cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”. Bộ Ngoại giao Canada nhấn mạnh: “Canada nỗ lực bảo vệ và khôi phục trật tự quốc tế hiệu quả dựa trên luật định, bao gồm cả đối với các vùng biển và đại dương, cũng như nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên xử ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan). Ảnh: BBC

Trong bài viết đăng tải ngày 11/7, trang mạng Theinsnews.com (Malaysia) cho rằng Công ước UNCLOS cùng sự đoàn kết của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Bài viết nhấn mạnh sự ra đời của UNLCOS chính là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp, trong đó công ước là văn bản pháp lý quan trọng để xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh hải và quyền, nghĩa vụ của một quốc gia hàng hải. Đây là cơ sở pháp lý để các quốc gia ven biển hoạch định chính sách biển và xây dựng các văn bản pháp luật tương ứng.

Bài viết cũng nhắc lại quyết định quan trọng của PCA khi khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý hoặc yêu sách lịch sử về “đường 9 đoạn”. Đồng thời, tác giả bài viết khuyến nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN cần xây dựng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông theo UNCLOS và phù hợp với nội dung phán quyết của PCA.

Chú thích ảnh
Nguồn đồ họa: TTXVN

Đúng ngày này 5 năm trước, chiều 12/7/2016 (theo giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông.

Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".

Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Trung Quốc cũng liên tục bồi lấp, xây dựng trái phép hàng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Biden duy trì quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump về Biển Đông
Tổng thống Biden duy trì quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump về Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vào ngày 11/7 đã ủng hộ quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN