Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, phát biểu họp báo, Tổng thống Fernandez cho biết so với các nước khác trong khu vực, những nỗ lực mà Argentina đã và đang thực hiện quyết liệt cho đến nay đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, song vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm sự lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, việc kéo dài biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương để có thể từng bước nối lại các hoạt động thường nhật.
Theo thống kê của cơ quan dịch tễ, tính đến ngày 4/6, Argentina đã ghi nhận 20.197 ca nhiễm, trong đó có 608 ca tử vong. Đa phần các ca nhiễm bệnh tập trung tại khu vực thủ đô Buenos Aires và các đô thị phụ cận. Trong khi đó, sau khi một số bước nới lỏng được triển khai ngày 21/5, một số ca nhiễm chưa được phát hiện tại Buenos Aires đã trở thành nguồn lây bệnh khi trở về các địa phương khác nơi họ sinh sống.
Tổng thống Fernandez nhấn mạnh các địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ tiếp tục phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách và dịch tễ nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong khi các địa phương khác sẽ bước vào một giai đoạn cách ly mới để các hoạt động xã hội từng bước được quay trở lại bình thường.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Chính phủ Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6.
Cùng ngày, cơ quan di trú Peru cho biết một phái đoàn chuyên gia y tế Cuba gồm 85 bác sĩ và y tá đã tới thủ đô Lima để hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này đối phó với dịch bệnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Peru, tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận tổng cộng 178.914 ca nhiễm và 4.894 ca tử vong.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Uruguay và Brazil ngày 4/6 nhất trí triển khai các cơ chế hợp tác nhằm tiến hành chẩn đoán và giám sát dịch tễ chống dịch tại khu vực biên giới giữa hai nước. Hai bên cũng thống nhất thành lập một đơn vị giám sát y tế chung tại khu vực biên giới.
Chính phủ Uruguay bày tỏ quan ngại trước tình hình dịch bệnh tại khu vực biên giới giáp với Brazil, do quốc gia láng giềng hiện là vùng dịch lớn nhất tại Mỹ Latinh với số ca nhiễm tính đến ngày 4/6 đã lên tới 595.112 ca và 33.038 ca tử vong. Trong khi đó, Uruguay ghi nhận 828 ca nhiễm, 23 ca tử vong.
Theo số liệu cập nhật trong 24 giờ qua, Chile đã ghi nhận 4.664 ca nhiễm mới và 81 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất trong một ngày. Ngày 3/6, chính phủ nước này đã gia hạn các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô thêm một tuần. Trong khi đó, Bộ trưởng y tế Jaime Manalich đã công bố một chiến lược truy vết nhằm xác định những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19, để cách ly nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus.