Khi khu vực Mỹ Latinh trở thành tâm dịch mới của thế giới cũng là lúc virus SARS-CoV-2 bắt đầu tàn phá những cộng đồng cư dân dễ chịu tổn thương nhất. Sống tại những khu dân cư vốn có hệ thống vệ sinh tồi tàn và không gian hạn chế, hàng triệu người dân tại các khu ổ chuột Mỹ Latinh không có nổi những sản phẩm khử trùng cơ bản nhất và việc có thể tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội theo khuyến cáo của giới chức y tế lại càng là những điều "xa xỉ".
Theo thống kê của Liên hợp quốc, có gần 89 triệu người trong khu vực Mỹ Latinh không thể tiếp cận các dịch vụ vệ sinh dù là cơ bản nhất, chính vì vậy, biện pháp cơ bản nhất để phòng ngừa dịch bệnh là rửa tay thường xuyên cũng trở thành nhiệm vụ bất khả khi.
Tại Peru, khoảng 1/3 trong tổng số 10 triệu người dân nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở Venezuela, ngoài thiếu nước sinh hoạt, người dân nơi đây còn thiếu cả điện và xăng dầu.
Bên cạnh những thiếu thốn điều kiện vệ sinh dịch tễ, bài toán duy trì kế sinh nhai cũng đang là thách thức lớn với công tác phòng dịch tại khu vực. Theo chuyên gia kinh tế Dalia Maimon, khu vực Mỹ Latinh hiện có khoảng 54% người lao động phi chính thức, cư dân các khu ổ chuột buộc phải lựa chọn giữa đánh liều đi làm để kiếm sống hoặc ở nhà phòng dịch mà trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hàng triệu người dân khu vực Mỹ Latinh đã mất đi kế sinh nhai khi tình trạng khủng hoảng kinh tế càng thêm trầm trọng do các biện pháp phong tỏa.
Trong tuần, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne cho biết tổ chức này ngày càng lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus trong các cộng đồng người nghèo và các nhóm dễ chịu tổn thương nhất. Các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục xấu đi khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng nhanh chóng tại tâm dịch mới Brazil, Peru và Chile.