Theo nguồn tin, hôm 31/7, Phó Tổng thư ký EU phụ trách các vấn đề chính trị Enrique Mora đã đàm phán với các quan chức tại Tehran, trong khi Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách vấn đề Trung Đông và Bắc Phi Brett McGurk đã tổ chức các cuộc thảo luận tại Saudi Arabia. Các cuộc đàm phán này nhằm mục đích thuyết phục Tehran không đáp trả Israel hoặc thực hiện các hành động mang tính biểu tượng.
“Kể từ đêm 31/7, giới chức đang gây sức ép buộc Tehran không đáp trả và phải kiềm chế”, một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho hay.
Trước đó vào sáng cùng ngày, phong trào Hamas xác nhận thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh đã bị ám sát trong một cuộc không kích vào nơi ở của ông ở Tehran, sau khi tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống Iran mới đắc cử Masoud Pezeshkian. Phong trào Hamas cáo buộc Israel và Mỹ đứng sau vụ việc và cảnh báo sẽ đáp trả.
Về phần mình, Israel cho đến nay không xác nhận cũng như không lên tiếng phủ nhận có liên quan đến vụ việc. Trong khi đó, Mỹ đã bác bỏ có liên quan vụ ám sát.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Iran Saeed Iravani cho rằng Mỹ có trách nhiệm trong cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, đồng thời khẳng định vụ ám sát ông Haniyeh có thể đã không xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo từ phía Mỹ.
“Trách nhiệm của Mỹ với tư cách là đồng minh chiến lược và là bên ủng hộ chính của Israel trong khu vực không thể được bỏ qua trong tội ác khủng khiếp này”, ông Iravani nói.
Thông tin về việc ông Haniyeh bị ám sát như thế nào cũng vấn mơ hồ. Hãng thông tấn Fars cho hay thủ lĩnh Hamas thiệt mạng “vì một quả đạn từ trên không”. Điều này làm dấy lên suy đoán về một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc thiết bị bay không người lái (UAV).
Các nhà phân tích coi cuộc tấn công là thất bại lớn của tình báo Iran và là một diễn biến vô cùng đáng lo ngại đối với giới lãnh đạo nước này, đặc biệt là vào thời điểm an ninh được tăng cường do có rất nhiều khách đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống.
Vụ tấn công xảy ra cho thấy sự leo thang nhanh chóng và nguy hiểm trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ở Gaza, cuộc chiến vốn đã khiến trên 38.000 người Palestines thiệt mạng, hơn 88.000 người khác bị thương và khoảng 90% dân số dải đất này bị mất nhà cửa. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai lập tức các nỗ lực ngoại giao và tìm kiếm con đường đưa khu vực Trung Đông tới hòa bình và ổn định.