Trong thư, các tổng thống và thủ tướng của 7 nước không thuộc G7 nhấn mạnh: "Chúng ta phải chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần các loại nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đi đầu trong nỗ lực này và phối hợp với chúng tôi để đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28)". Lãnh đạo các nước ngoài G7 cũng cho rằng các nước công nghiệp phát triển cần hỗ trợ những nỗ lực nhằm xây dựng các mục tiêu toàn cầu mới để thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Cùng ký vào bức thư trên ngoài các nhà lãnh đạo Hà Lan và Chile còn có các nhà lãnh đạo của New Zealand cùng Quần đảo Marshall, Palau, Saint Lucia và Vanuatu - 4 quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Nhiều nước, trong đó có 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đang hy vọng tất cả nước tham dự COP28, dự kiến khai mạc ngày 30/11 tới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất -UAE), sẽ nhất trí loại bỏ dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu. Đề xuất này đã được đưa ra và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ trong các cuộc đàm phán tại COP27 diễn ra năm ngoái, nhưng sau đó đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt. Hiện dư luận đang đổ dồn sự chú ý xem các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thể hiện quan điểm thế nào tại Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, từ ngày 19-21/5.
Tại hội nghị vào tháng trước, các bộ trưởng khí hậu của G7 đã nhất trí đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cam kết này có được thực hiện hay không. Trong khi đó, một số quốc gia khác đã để ngỏ khả năng cho phép tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.