Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong bức thư chung gửi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, 8 quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia nêu rõ: “Đã đến lúc châu Âu phải đưa ra cách tiếp cận chung đối với tất cả các tuyến đường di cư liên quan để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp”. Bức thư cũng đề nghị hỗ trợ tài chính bổ sung trong ngân sách hiện có nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả hơn.
Bức thư khẳng định một số quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt với làn sóng người nhập cư và đơn xin tị nạn tương đương, thậm chí cao hơn so với con số thống kê trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và 2016.
Mặc dù EU đã dành 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối trong giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo, vẫn kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn tỏ ra miễn cưỡng, cho rằng ý tưởng xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là giải pháp phù hợp.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hồi tháng 1 vừa qua cho biết các quốc gia thành viên có thể thực hiện một chương trình thí điểm trong nửa đầu năm nay, theo đó, tăng tốc xử lý các thủ tục sàng lọc và đơn xin tị nạn cho những người di cư đủ điều kiện, đồng thời trả lại hồ sơ ngay lập tức cho những người được coi là không đủ điều kiện.
Bà von der Leyen muốn EU lập một danh sách “các quốc gia xuất xứ an toàn”, để khối này tăng cường giám sát biên giới trên các tuyến đường Địa Trung Hải và Tây Balkan mà người di cư lợi dụng để đến châu Âu. Trong khi đó, Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson tin tưởng rằng chương trình cải cách công tác liên quan đến tị nạn, vấn đề được đưa ra thảo luận từ tháng 9/2020, sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2024.
Quan điểm chung về vấn đề di cư đã trở nên gay gắt hơn ở châu Âu kể từ giai đoạn 2015-2016, thời điểm “lục địa già” phải tiếp nhận tới hơn 1 triệu người tị nạn, trong đó hầu hết là người Syria chạy trốn nội chiến ở đất nước của họ.