Malawi mới đây đã tiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca. Nam Sudan tìm cách trả lại 72.000 liều. Công hòa Dân chủ Congo trả lại 1,3 triệu liều, vì lo ngại sẽ không thể đưa vào tiêm chủng trước khi vaccine hết hạn sử dụng vào tháng 6 tới.
Đây là động thái đáng lo ngại, trong bối cảnh châu Phi là khu vực có tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất thế giới, với chỉ trung bình 2,1 liều tiêm/100 người, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế.
Theo Phionah Atuhebwe, người phụ trách chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình có thể sẽ được cải thiện khi châu lục tiếp cận được nguồn vaccine dồi dào hơn vào cuối năm nay. Những thách thức trong giai đoạn vừa qua đến từ khâu thống kê, lên danh sách các nhóm ưu tiên tiêm chủng, như nhân viên y tế và người trên 65 tuổi - vốn đều phải thông qua số liệu về điều tra dân số.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố như hạn dùng vaccine, thiếu nguồn tài chính, thiếu sự chuẩn bị bài bản cùng với tâm lý e ngại vaccine đã khiến một số quốc gia châu Phi không thể sử dụng hết nguồn vaccine đã được cấp trước thời điểm hết hạn sử dụng.
Trong quá khứ, vaccine được chuyển tới châu Phi thường đi kèm khoản kinh phí vận chuyển, phân phối. Nhưng lần này, các nước gần như phải tự bỏ tiền túi chi trả khoản này, hoặc là vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Cho đến nay, WB khu vực châu Phi đã giải ngân 480 triệu USD cho 8 nước châu Phi kể từ khi nhận được đề nghị vay tiền để tiếp cận, đặt mua vaccine.
Hạn dùng ngắn của vaccine cũng tạo thêm sức ép. Nhiều nước châu Phi nhận được nguồn vaccine thông qua sáng kiến Covax, chủ yếu là vaccine AstraZeneca. Vaccine này chỉ có hạn dùng 6 tháng đổ lại trong điều kiện bảo quản ở tủ lạnh thông thường. Do nhiều lô được sản xuất trước cả thời điểm vaccine được phê duyệt cấp phép, nên thời hạn sử dụng còn ngắn nữa.
Đơn cử, với lô vaccine tới Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 3, thời hạn dùng chỉ còn 4 tháng. Thế nhưng, chính phủ nước này lại chờ đợi thêm một tháng trước khi đưa vào tiêm chủng, do còn tâm lý e ngại trước thông tin về chứng đông máu hiếm gặp.