Nhiều nước châu Á có quan điểm cứng rắn với hình thức 2 quốc tịch

Nhật Bản và Trung Quốc và một số nơi tại châu Á đang áp dụng lập trường cứng rắn hơn với vấn đề hai quốc tịch.

Chú thích ảnh
Nhiều nước châu Á đang khắt khe hơn với hình thức 2 quốc tịch. Ảnh: CNN

Anna có mẹ là người Nhật Bản và cha người Mỹ do vậy cô mang hai quốc tịch. Kênh CNN (Mỹ) cho biết Anna đã dành nhiều thời gian di chuyển giữa Nhật Bản, Mỹ và có mối liên hệ chặt chẽ với hai nền văn hóa.

Nhưng Nhật Bản đang yêu cầu những người sở hữu trên 2 quốc tịch đến độ tuổi 22 phải đưa ra lựa chọn duy nhất. Điều này được coi là lựa chọn bất khả thi đối với Anna. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), tại Nhật Bản có khoảng 900.000 người sở hữu hai quốc tịch.

Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết từ năm 1970 đến 2015, số người sống và làm việc ở nước ngoài ít nhất một năm đã tăng gấp ba lần. Cùng thời điểm này, nhu cầu sở hữu hai quốc tịch cũng tăng. Giáo sư Maartin Vink tại Đại học Maastricht (Hà Lan) năm 2019 có đưa ra báo cáo nhấn mạnh năm 1960, khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới cho phép người dân sở hữu hai quốc tịch. Đến nay, có 3/4 quốc gia trên thế giới chấp nhận điều này. Vậy nhưng tại châu Á, chỉ có 65% quốc gia và vùng lãnh thổ chấp thuận tình trạng hai quốc tịch.

Một số quốc gia châu Á đang thắt chặt luật liên quan đến nhập cư. Vào tháng 1, một tòa án Nhật Bản đã bác bỏ đơn khiếu nại của các công dân nước này sống tại châu Âu về lệnh cấm hai quốc tịch. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng có động thái mạnh mẽ trong tháng 2 khi cấm công dân có hai quốc tịch được bảo hộ lãnh sự.

Có nhiều lý lo một số quốc gia không ủng hộ hai quốc tịch, bao gồm vấn đề lịch sử như xung đột, chủ nghĩa thực dân. Nhiều chuyên gia cho biết lệnh cấm còn phản ánh xu hướng chủ nghĩa dân tộc.

Ông Low Choo Chin tại Đại học Sains Malaysia đánh giá quy định khắt khe của Trung Quốc với 2 quốc tịch là nhằm đảm bảo công dân “trung thành với chính phủ”. Dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xử lý mạnh tình trạng 2 quốc tịch, khuyến khích người dân báo cáo về những trường hợp bí mật giữ 2 quốc tịch.

Chính phủ Trung Quốc muốn xử lý tận gốc tình trạng 2 quốc tịch nhằm ngăn chặn những trường hợp lợi dụng lỗ hổng trong luật pháp. Một ví dụ là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ước tính từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đến năm 2008, có tới 18.000 quan chức tham nhũng đã rời nước này, mang theo 800 tỷ nhân dân tệ (122 tỷ USD).

Dịch COVID-19 vừa qua còn gây nhiều chú ý hơn về vấn đề 2 quốc tịch. Các chính phủ phải đối mặt với những câu hỏi như: đâu là công dân? Chịu trách nhiệm cho đối tượng nào? Bảo vệ đối tượng nào?
Vì Trung Quốc không công nhận 2 quốc tịch do vậy nhiều trường hợp trong nhóm này đã không thể quay trở về quốc gia mà họ mang quốc tịch thứ hai trong thời gian dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhật Bản là một trong 50 quốc gia trên thế giới chỉ chấp nhận một quốc tịch. Ảnh: AFP

Tại châu Á Thái Bình Dương, chỉ có một vài nơi chấp nhận hình thức 2 quốc tịch bao gồm Australia, New Zealand, Campuchia, Đông Timor và Fiji. Một số quốc gia khác chấp thuận 2 quốc tịch với hạn chế ví dụ Philippines chấp thuận 2 quốc tịch với những người là công dân nước này còn những người nhập tịch thì ngược lại. Hàn Quốc cho phép những đứa trẻ do công dân nước này sinh tại hải ngoại được mang cả quốc tịch của cha mẹ và quốc gia nơi các em sinh ra.

Giáo sư luật Atsushi Kondo tại Đại học Meijo (Nhật Bản) phân tích: “Trong thời bình, việc mang 2 quốc tịch đem lại nhiều lợi thế, bao gồm di chuyển miễn thị thực tới nhiều quốc gia hơn, cơ hội được tuyển dụng ở nước ngoài, được giáo dục đại học chi phí rẻ hơn…”. Tuy nhiên, vẫn có mặt hạn chế, ví dụ công dân có 2 quốc tịch tại Mỹ thường phải đóng thuế gấp đôi.

Có nhiều phương thức để sở hữu hai quốc tịch, qua hôn nhân, nhận nuôi hoặc nhập quốc tịch. Nhưng phổ biến nhất là hình thức quyền công dân theo nơi sinh (jus soli) – đồng nghĩa với việc trẻ em tự động có quốc tịch tại quốc gia chúng được sinh ra và hình thức thừa hưởng quốc tịch của cha mẹ (jus sanguinis).

Hình thức quyền công dân theo nơi sinh khá hiếm có tại châu Á, hoặc nếu có thì thường mang điều kiện nhất định. Ví dụ Hàn Quốc chỉ áp dụng quyền công dân theo nơi sinh đối với trẻ em sinh ra trên lãnh thổ nước này nhưng bị bỏ rơi hoặc cha mẹ không có quốc tịch.

Trung Quốc, Nhật Bản là ví dụ cho thấy châu Á nghiêm khắc hơn với 2 quốc tịch nhưng trên thế giới xu hướng này lại ngược lại. Malawi trước đây cấm 2 quốc tịch nhưng đến năm 2019 lại hoàn toàn chấp nhận. Nga và Na Uy cũng có bước đi tương tự trong năm 2020.

Hà Linh/Báo Tin tức
Các trang trại động vật hoang dã ở Trung Quốc có khả năng là nguồn gốc gây dịch COVID-19?
Các trang trại động vật hoang dã ở Trung Quốc có khả năng là nguồn gốc gây dịch COVID-19?

Một thành viên trong nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ các trang trại động vật hoang dã ở miền nam Trung Quốc có khả năng là nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN