Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp quốc gia của Peru ngày 22/8 cho biết cháy rừng quy mô lớn ở vùng Apurimac, miền Nam nước này, đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 12 khác bị thương. Đám cháy bùng phát từ hôm 20/8, gây thiệt hại đáng kể đối với ngành chăn nuôi gia súc và môi trường tự nhiên ở địa phương. Trong số những người bị thương, một số người trong tình trạng “nguy kịch” và được đưa đi cấp cứu bằng trực thăng. Đám cháy dữ dội đã ảnh hưởng khoảng 200 ha đất, hủy hoại cây cối và nhà cửa trong khu vực.
Trong khi đó, Canada đang đối mặt với mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Trong một tuần qua, hơn 50.000 người đã buộc phải đi sơ tán. Gần 200 ngôi nhà ở thành phố Kelowna và West Kelowna bị thiêu rụi. May mắn không có báo cáo về thương vong. Ước tính chính thức cho thấy hơn 15 triệu ha đất - lớn hơn diện tích của Hy Lạp, bị thiêu rụi.
Chính quyền tỉnh bang British Columbia của Canada cho biết sẽ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết trong khu vực đang đối mặt với cháy rừng này. Theo đó, biện pháp này được áp dụng cho các thành phố Kelowna, Vernon và Kamloops của tỉnh bang và được dỡ bỏ vào đêm 22/8 theo giờ địa phương. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn có hiệu lực tại thành phố West Kelowna.
Động thái này được đưa ra dựa trên hình hình thời tiết và khí hậu mát mẻ hơn từ ngày 21/8 cùng với mưa nhẹ vào sáng 22/8, có thể giúp đẩy lùi những đám cháy lan rộng trên khắp tỉnh bang miền Tây của Canada. Nhờ vậy, một bộ phận người dân đi sơ tán khỏi thành phố Kelowna và West Kelowna đã có thể trở về nhà.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thị sát các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trao đổi với Thủ hiến tỉnh bang British Columbia, ông Trudeau cam kết cung cấp các nguồn lực liên bang để ứng phó với thảm họa.
Hiện hơn 1.000 đám cháy vẫn đang bùng phát trên khắp đất nước Canada, trong đó 650 đám cháy vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và cộng đồng.
Tại châu Âu, Italy tiếp tục hứng chịu cháy rừng do nắng nóng kéo dài, gây ra hạn hán. Vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra trên đảo Elba, ngoài khơi phía Tây Bắc của Italy từ cuối ngày 21/8. Gió mạnh khiến đám cháy lan rộng quy mô lớn, khiến ít nhất 700 người trên đảo phải đi sơ tán. Đến này 22/8, đám cháy đã được kiểm soát. Hồi tháng 7, cháy rừng cũng tàn phá vùng Calabria ở phía Nam Italy.
Cháy rừng ở tỉnh Canakkale, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến giới chức địa phương ngày 22/8 đưa ra lệnh sơ tán dân làng thuộc tỉnh này. Đám cháy bùng phát ở làng Kayadere và đang lan rộng do gió mạnh.
Do lo ngại ảnh hưởng của đám cháy nói trên, Bộ Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ thông báo một con đường cao tốc chạy qua tỉnh đã tạm thời bị phong tỏa để ngăn ngừa ảnh hưởng của đám cháy. Các hoạt động đi lại và vận chuyển hàng hóa trên tuyến hàng hải từ biển Aegean đến biển Marmara qua eo biển Dardanelles cũng tạm ngừng. Đây là tuyến hàng hải quan trọng, kết nối châu Âu và châu Á. Biện pháp này có hiệu lực từ 18h45 giờ địa phương (tức 22h45 giờ Việt Nam) ngày 22/8.
Nhiều nước châu Âu khác cũng đang vật lộn với thảm họa cháy rừng. Lực lượng cứu hỏa Tây Ban Nha phải căng mình ứng phó với cháy rừng trên quần đảo Canary. Trong khi đó, Hy Lạp cũng phải vật lộn với “giặc lửa” tại nhiều đảo của nước này.
Theo nghiên cứu của World Weather Attribution (WWA) - Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng mà châu Âu và Bắc Mỹ đối mặt thời gian vừa qua gần như không thể xảy ra nếu không có tác động của biến đổi khí hậu.