Theo kênh truyền hình CNN, Lauren Fidelak khi còn là học sinh trung học luôn duy trì điểm tín chỉ trung bình GPA ở mức 4.0 – mức tối đa và giành số điểm 34/36 tại kỳ thi xét tuyển đại học cao đẳng ACT ở Mỹ. Tuy nhiên, khi nộp đơn vào ngôi trường đại học mong muốn, Đại học Nam California (USC) và Đại học California Los Angeles (UCLA), cô bé bị từ chối. Sự kiện này đã khiến cô bé thất vọng và chịu một cú sốc tâm lý đến mức phải vào điều trị tại một bệnh viện ở Boston.
Fidelak cùng mẹ Keri, chỉ là hai trong số nhóm 7 học sinh và phụ huynh khởi kiện các ngôi trường đại học danh tiếng dính líu tới đường dây lừa đảo chạy tiền vào trường. Theo đơn kiện gửi lên Tòa án Quận Bắc California, các nguyên đơn cáo buộc những trường đại học này vi phạm luật tiêu dùng, không có trách nhiệm và gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện Fidelak là sinh viên của Đại học Tulane. Tham gia vụ kiện cùng cô bé còn gồm sinh viên trường Stanford Kalea Woods; sinh viên cao đẳng cộng đồng Tyler Bendis và mẹ Julia; sinh viên trường Rutgers Nicholas James Johnson và bố James.
Các học sinh và phụ huynh này tuyên bố họ đã chi một khoản tiền khi nộp đơn vào các trường đại học bị dính líu tới đường dây chạy điểm kia. Họ khẳng định nếu như biết trước về vụ bê bối, họ đã không phí tiền của, công sức như vậy.
“Nếu nguyên đơn biết hệ thống bị mua chuộc, họ đã không chi tiền khi nộp đơn xin học. Họ cũng không nhận được thứ mà họ bỏ tiền ra mua – một quy trình cân nhắc tiếp nhận học sinh công bằng”, một bên nguyên đơn cho hay.
Đơn kiện yêu cầu tòa án phán quyết các trường phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn. Đơn kiện nêu tên nhiều trường đại học, trong đó có Stanford, USC, UCLA, Đại học San Diego, Đại học Texas tại Austin và Wake Forest, Yale và Georgetown.
Theo đơn kiện, học sinh Bendis không được chấp nhận vào UCLA, Stanford và Đại học San Diego, trong khi học sinh Johnson bị trường Texas và Stanford từ chối.
Tính đến thời điểm hiện tại, các trường được đề cập vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vụ kiện này.
Luật sư Andrew Lelling tại phòng công tố Massachusetts cho biết các trường đại học bị nghi ngờ dính líu có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi liệu rằng đã có những học sinh đủ điều kiện nhập học bị những trường hợp “chạy điểm” của các gia đình giàu có nổi tiếng tước đi cơ hội hay không. “Đối với tất cả sinh viên được nhận vào trường học thông qua đường dây lừa đảo này, ắt hẳn có những học sinh tài năng trung thực khác bị từ chối”, ông Lelling giải thích.
Gần 50 người ở Mỹ là các nữ diễn viên Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và huấn luyện viên thể thao tại các đại học danh giá đã bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội vì tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh và các đại học lớn hàng đầu của Mỹ.
Chủ mưu vụ lừa đảo – William Rick Singer - thu về khoảng 25 triệu USD trong suốt 7 năm (giai đoạn 2011-2018) từ hàng chục cá nhân để hối lộ các quản lý trường đại học danh giá. Một số nữ diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình hút khách như Lori Loughlin, Felicity Huffman… đã bị phát hiện có liên quan đến đường dây lừa đảo và bị bắt giữ. Tuy nhiên, họ sớm được trả tự do vì nộp tiền bảo lãnh lên tới 1 triệu USD.
Giới chức tại các trường đại học danh tiếng khác bao gồm Yale, Stanford và Georgetown hiện phải kiểm tra lại các cáo buộc phạm tội đối với một số thành phần then chốt trong ban quản lý trường, một vài người trong số họ đã rời khỏi trường.
Vụ bê bối này được coi là vụ xét xử đường dây chạy trường đại học lớn nhất từng được khởi tố. Nhóm phụ huynh, gồm hơn 30 người, sẽ tiếp tục làm việc với tòa án vào 29/3 tới.