Các công tố viên Mỹ ngày 12/3 cho biết có 50 nhân vật, gồm cả ngôi sao Hollywood và doanh nhân, đã tham gia vào đường dây gian lận để cho các học sinh vào trường đại học danh tiếng mặc dù không đủ khả năng.
Phụ huynh các gia đình có điều kiện đã bỏ ra 6,5 triệu USD mua điểm ACT/SAT, làm giả bài thi và xếp con em họ "nghiễm nhiên" thuộc diện ưu tiên giỏi thể thao được nhập học. Có 6 trường đại học với huấn luyện viên thể thao được cho là từng nhận hối lộ để cho học sinh trúng tuyển theo diện này gồm Georgetown, Stanford, Texas, Nam California, Wake Forest và Yale.
Các trường đại học tại Mỹ thường tạo điều kiện cho học sinh có năng khiếu thể thao được trúng tuyển. Khi các đội thể thao trong trường đại học giành được chức vô địch, điều này sẽ dẫn đến việc được ghi nhận, tiền đổ về trường đại học và cựu sinh viên quyên góp ủng hộ. Ở một số môn thể thao đặc biệt, đội của trường đại học khi thi đấu còn có thể thu hàng tỷ USD tiền hợp đồng quảng cáo từ truyền hình.
Tuy nhiên, vụ bê bối này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về thực trạng sắc tộc tại Mỹ. Trên thực tế, học sinh có thành tích trong các môn "quý tộc" như bóng nước hoặc tennis thường được tuyển vào đại học danh tiếng theo diện giỏi thể thao. Nhưng những môn thể thao này lại không phổ biến với học sinh từ trường trung học ở khu vực không giàu có, vốn là những nơi tập trung nhiều người da màu tại Mỹ. Như vậy, lợi ích này phần lớn rơi vào tay những học sinh da trắng, con nhà giàu.
Ngoài ra, nhiều gia đình có điều kiện tại Mỹ, phần đông là người da trắng, đã áp dụng biện pháp đặc biệt để “mua ghế” cho con cái vào trường đại học danh tiếng. Những biện pháp này bao gồm quyên góp nhiều tiền cho trường, thuê người dạy viết tiểu luận và chuyên gia về phỏng vấn nhập học cho con cái họ.