Theo bài đăng trên tạp chí Politico ngày 24/2, khoảng 30 Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ đã ký vào bức thư đề nghị Tổng thống Joe Biden từ bỏ đặc quyền phóng vũ khí hạt nhân. Sáng kiến này do nghị sĩ Jimmy Panetta phát động. Ông cho biết đang kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ thiết lập các hình thức kiểm tra, đánh giá trong cấu trúc chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của quốc gia này.
“Việc trao thẩm quyền này cho một người duy nhất dẫn đến những rủi ro thực sự. Các tổng thống trước đây từng đe dọa tấn công quốc gia khác bằng vũ khí hạt nhân hoặc thể hiện hành vi khiến giới chức quan ngại”, ông Panetta viết trong thư.
Hạ nghị sĩ Panetta chỉ ra rằng mặc dù nhiều người nghĩ tổng thống sẽ tham khảo ý kiến của các cố vấn trước khi ra lệnh tấn công hạt nhân, nhưng không có điều luật nào buộc tổng thống phải làm như vậy. Ông lưu ý quân đội Mỹ có nghĩa vụ thực hiện mệnh lệnh nếu họ đánh giá là hợp pháp theo luật chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không có quyền phủ quyết mà chỉ có nghĩa vụ xác minh mệnh lệnh đó. Dưới thế trận hiện tại của các lực lượng hạt nhân Mỹ, cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra ngay sau vài phút – khoảng thời gian quá ngắn để sửa đổi.
Thay vào đó, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đề xuất bổ sung một số nhân vật cấp cao khác, chẳng hạn như Chủ tịch Hạ viện và Phó tổng thống (hiện là Nancy Pelosi và Kamala Harris), được quyền phê duyệt lệnh phóng tên lửa hạt nhân. Hai quan chức hàng đầu này đều không có nguy cơ bị mất chức nếu họ không đồng ý triển khai tên lửa.
Hiện tại, Tổng thống Mỹ có khả năng đơn phương phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Theo truyền thống, các đời Tổng thống Mỹ phải bàn giao cho nhau một chiếc cặp chứa tất cả các vật cần thiết để phát động tấn công.
Khi chiếc vali được giao cho Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump, các nghị sĩ Dân chủ đã bày tỏ lo ngại về việc ông có quyền tiếp cận vũ khí. Đặc biệt, Chủ tịch Hạ viện Pelosi e sợ một tổng thống có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân trong lúc rối trí. Bà đồng thời đặt câu hỏi về các biện pháp phòng ngừa sẵn có để ngăn cản tổng thống hạ lệnh phóng.
Tổng thống Joe Biden, người tiếp quản "vali hạt nhân" từ ông Trump sau khi nhậm chức ngày 20/1, là một người ủng việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Ông từng đề xuất tuyên bố hạt nhân của Mỹ, được gọi là "mục đích duy nhất", quy định vũ khí hạt nhân của quốc gia này là nhằm ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh.
Đặc quyền hay cam kết “không sử dụng trước tiên”?
Chính sách đặc quyền, như giới quan sát tranh cãi, không giống với cam kết “không sử dụng trước tiên”. Đây là lập trường không sử dụng vũ khí hạt nhân làm phương tiện chiến tranh trừ khi bị đối phương tấn công trước.
Trong bối cảnh xảy ra tranh luận sôi nổi diễn ra giữa những người ủng hộ cho cả hai cách tiếp cận, Tom Z. Collina, Giám đốc chính sách của Ploughshares Fund - tổ chức công ủng hộ các sáng kiến ngăn chặn việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân - tin rằng Chính quyền của Tổng thống Biden nên từ bỏ đặc quyền duy nhất để phát động các cuộc tấn công hạt nhân và thực hiện chính sách “không sử dụng trước”.
Ploughshares đề xuất Tổng thống Biden chấm dứt chính sách đặc quyền theo hai cách. Thứ nhất, Mỹ sẽ không bao giờ khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân và sẽ chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân đã được xác nhận (hay chính sách “Không sử dụng đầu tiên”).
Thứ hai, lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân trước phải được cả cơ quan hành pháp và lập pháp của chính phủ phê duyệt.
Bà Bonnie Jenkins, được ông Biden bổ nhiệm là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, đã lên tiếng ủng hộ chính sách “Không sử dụng đầu tiên”, đồng thời chỉ trích chính quyền trước đây tăng ngân sách cho chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí New START với Nga. Ông cùng bày tỏ ý định quay trở lại thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) với Iran mà người tiền nhiệm Donald Trump từng đơn phương rút bỏ năm 2018.