Tuy nhiên, tờ The Hill nhận định khung chiến lược của Mỹ đã bỏ sót nhiều giá trị tiềm năng của Ấn Độ trong cạnh tranh địa chiến lược. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần tìm cách để chuyển một phần vai trò Trung Quốc đang nắm giữ trong kinh tế Mỹ - nhà cung cấp và thị trường hàng đầu- sang cho Ấn Độ.
Ấn Độ còn là ứng cử viên hàng đầu đối với Mỹ để cân bằng vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương về mặt chính trị và kinh tế.
Về kinh tế vĩ mô, Ấn Độ có dân số trên 1 tỷ người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. 5 năm qua, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã đẩy mạnh cải cách luật lao động, đất đai đồng thời mở cửa kinh tế với thị trường toàn cầu. Cải cách của Ấn Độ trong những lĩnh vực này khiến kinh tế trở thành lĩnh vực thu hút các doanh nghiệp Mỹ đầu tư.
Kinh tế Ấn Độ đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thậm chí trước "cơn ác mộng" đại dịch COVID-19, Ấn Độ còn trở thành một trong những nước hưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.
Về mặt chính trị, Ấn Độ đã lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại Trung Quốc, từ sáng kiến Vành đai, Con đường cho đến việc New Delhi không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi hướng tới một thế giới đa cực, đặc biệt là một châu Á đa cực. Điều này phù hợp với chiến thuật của Mỹ xây dựng liên minh với Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bất đồng ở biên giới và mối quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc khiến Ấn Độ trở thành ứng viên hàng đầu trong mắt Mỹ.
Ngoài ra, trong cuộc đua của Mỹ và Trung Quốc, Washington phải đối mặt với nhiều thách thức. Trợ lý bộ trưởng không quân Mỹ Will Roper từng chia sẻ: “Có nhiều yếu tố bất lợi cho Mỹ như dân số, tổng sản phẩm nội địa (GDP) và nhân lực tài năng trong ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM)”. Về phần mình, Ấn Độ với dân số hơn 1 tỷ người trong đó có nhiều nhân lực STEM giỏi đã tạo ra số lãnh đạo công nghệ đáng kể tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc lựa chọn Ấn Độ cũng kèm theo thách thức. Trong 20 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã dành nhiều công sức để tiếp cận thị trường trung lưu của Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp Mỹ muốn ưu tiên thị trường Ấn Độ, họ sẽ cần tầng lớp trung lưu với năng lực mua sắm cao hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, năng lực chi tiêu của tầng lớp Ấn Độ vẫn chưa đủ cuốn hút nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp Mỹ phải chấp nhận chờ đợi một thời gian trước khi đầu tư của họ gặt hái được thành quả bởi bộ máy có phần quan liêu ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thực hiện nhiều cải cách, giảm tham nhũng và các thủ tục rườm rà.
Cũng tại Ấn Độ, McDonalds đã áp dụng thực đơn 100% chay đầu tiên của thương hiệu này trong khi Starbucks cũng ra mắt trà chai vốn là thức uống nổi tiếng của địa phương. Như vậy, nếu hợp tác với các nhà sản xuất địa phương và biết thích ứng, các doanh nghiệp Mỹ hoàn toàn có thể giải quyết được các vướng mắc.