Theo hãng tin AFP, mang vàng đi bán không phải là quyết định dễ dàng. Bà Jogani đã vô cùng tuyệt vọng vì công việc kinh doanh may mặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong suốt hơn 1 năm rưỡi do nhiều đợt phong toả vì COVID-19. Bà không còn tiền trả lương cho 15 nhân viên và các loại hoá đơn cửa hàng.
Các con số tăng trưởng cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đang hồi phục sau khủng hoảng kinh tế do COVID-19, nhưng nỗi đau tài chính đối với nhiều người dân Ấn Độ vẫn chưa có hồi kết.
“Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài bán vàng”, Jogani nói khi hồi hộp chờ chủ tiệm vàng ra giá. “Tôi đã mua số lắc tay này trước đám cưới cách đây 23 năm”, người phụ nữ 45 tuổi chia sẻ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Azim Premji, việc đóng cửa các doanh nghiệp trong thời gian dài và tình trạng thất nghiệp gia tăng đã đẩy trên 230 triệu người Ấn Độ vào cảnh đói nghèo trong năm qua. Nhiều người đang chật vật trả tiền thuê nhà, học phí và viện phí. Khó khăn lại càng chồng chất trong những tuần gần đây do giá điện, nhiên liệu và nhiều mặt hàng khác tăng cao.
Không còn tiền mặt, nhiều gia đình và doanh nghiệp nhỏ buộc phải đem trang sức vàng đi thế chấp vay ngắn hạn, với hy vọng sớm vượt qua khủng hoảng. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết ngân hàng đã giải ngân “các khoản vay thế chấp trang sức vàng” trị giá 64 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người đi vay không thể trả nợ kịp, khiến những người cho vay phải đem bán đấu giá vàng. Báo chí Ấn Độ gần đây đã tràn ngập những thông tin đấu giá như vậy.
Vàng mang ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về mặt tài chính mà còn về văn hóa ở Ấn Độ. Nó được coi là vật thiết yếu trong đám cưới, sinh nhật và các nghi lễ tôn giáo, đồng thời cũng được coi là tài sản tích trữ an toàn có thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, người dân Ấn Độ đã mua 315,9 tấn trang sức vàng năm 2020, gần bằng cả châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông cộng lại. Chỉ có Trung Quốc mua nhiều hơn Ấn Độ. Ước tính các hộ gia đình Ấn Độ đang sở hữu 24.000 tấn vàng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, dưới dạng vàng xu, vàng thỏi và đồ trang sức.
Ông Dinesh Jain, Giám đốc Hội đồng Trang sức Đá quý Nội địa Ấn Độ, cho biết: “Đây là khoản đảm bảo an sinh xã hội duy nhất cho phụ nữ hay bất kỳ hộ gia đình nào bởi chính phủ không có chương trình an sinh xã hội nào như vậy. Vàng giống như tiền mặt. Ta có thể đem nó đi đổi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hay đêm”.
Ông Kumar Jain - 63 tuổi, chủ tiệm vàng lâu đời ở Zaveri Bazaar, Mumbai - cho biết ông chưa bao giờ thấy nhiều người đến bán hàng như vậy. Ông nói: “Trước đại dịch chưa từng xảy ra chuyện này”.
Ông Jain chia sẻ khách hàng của ông - chủ yếu là phụ nữ - đã bán rất nhiều đồ trang sức cá nhân trong những tháng gần đây, bao gồm lắc tay, nhẫn, dây chuyền và khuyên tai bằng vàng.
Ông chia sẻ: “Đáng buồn nhất là họ đem cả mangalsutra đi bán. Mangalsutra là chiếc vòng cổ tượng trưng cho người phụ nữ đã lập gia đình. Bạn sẽ khóc khi thấy người phụ nữ tháo mangalsutra khỏi cổ và nói 'cho tôi đổi lấy tiền'. Đây là cảnh tồi tệ nhất”.
Trong khi đó, bà Jogani, chủ doanh nghiệp may mặc ở Mumbai, đã có thể bớt áp lực khi bán đi một số đồ trang sức của mình. Bà đã mang đổi 8 chiếc lắc tay, một chiếc vòng cổ nhỏ và một vài chiếc nhẫn, để nhận được 2.690 USD tiền mặt.
“Trước đây tôi thường bỏ qua lời mẹ dặn 'hãy trữ vàng'”, Jogani nói. “Nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Mọi người nên tiết kiệm bằng cách trữ vàng”.