Khi cha của Shahbuddin qua đời vài tháng trước, gánh nặng nuôi gia đình đổ dồn lên vai cậu bé 10 tuổi khi Shahbuddin là con trai cả trong gia đình có 7 người con. Cha mẹ Shahbuddin không có ruộng đất, không có họ hàng giúp đỡ về tiền bạc. Mẹ của cậu bé đã rơi vào bế tắc và quẫn trí.
“Mẹ của em ở nhà. Bà không còn tiền và không ngừng khóc. Mẹ phải đi xin ăn và thỉnh thoảng đi làm công hàng ngày trong các trang trại để nuôi chúng em”, Shahbuddin chia sẻ.
Lợi dụng hoàn cảnh của Shahbuddin, một người quen trong làng của cậu bé ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, đã dụ cậu rời khỏi làng với lời hứa sẽ cho cậu một công việc. Shahbuddin đã cùng 15 đứa trẻ khác đi tàu hàng trăm km suốt 24 giờ đồng hồ đến ga Anand Vihar ở Delhi. Sau đó, người này đã bỏ lại Shahbuddin khiến cậu bé cảm thấy vô cùng cô đơn và sợ hãi.
May mắn, một cuộc đột kích của cảnh sát vào ngày 29/6 năm nay đã cứu Shahbuddin và nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác khỏi cảnh bóc lột lao động. 12 kẻ buôn người đã bị bắt vì dụ trẻ em đến làm việc trong một xưởng may mặc.
Vào tháng 4 và tháng 5, Ấn Độ đã gây chú ý trên toàn cầu khi trải qua làn sóng COVID-19 thứ hai tàn khốc. Số ca mắc bệnh và tử vong lập kỷ lục, các lò hỏa táng quá tải, bệnh nhân không có ôxy. Sau đợt tái bùng dịch đó, một bi kịch khác đang diễn ra: nhiều đứa trẻ đã mất đi cha mẹ, bị tước đi cuộc sống hạnh phúc và quyền được đi học. Theo Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền trẻ em, hơn 101.000 đứa trẻ đã mồ côi hoặc bị bỏ rơi vì dịch COVID-19 từ ngày 1/4/2020 đến ngày 23/8/2021.
Sonal Kapoor, người sáng lập tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Protsahan India Foundation, cho biết rất nhiều đứa trẻ đã mất cha mẹ vì COVID-19 hoặc buộc phải nghỉ học, làm công việc lao động giá trẻ hoặc kết hôn khi còn nhỏ.
Theo Amod Kanth, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Prayas, các vấn đề này đã tồn tại từ trước đại dịch, nhưng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn nạn ở trẻ em. Nhiều đứa trẻ đã trở thành “con mồi” của nạn buôn người.
Ở Ấn Độ, trẻ em dưới 14 tuổi không được phép làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ hoặc làm những công việc độc hại. Tuy nhiên, cuộc điều tra dân số năm 2011 của quốc gia này cho thấy có 10,1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 đang phải làm những công việc này. Con số này chiếm gần 4% tổng số trẻ em trong độ tuổi. Ngoài ra, cuộc điều tra dân số cho thấy hơn 42,7 triệu trẻ em không được đến trường.
Anurag Kundu, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Delhi, cho biết tình trạng mất việc làm và số người chết do đại dịch đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn bán trẻ em, vì một số gia đình “không còn cách nào khác là đẩy con mình đi lao động, ăn xin”.
Những kẻ buôn người đến từ khắp mọi nơi để tìm hiểu tình hình xung quanh đó. Họ nhắm vào các gia đình dễ bị tổn thương nhất để dụ dỗ những đứa trẻ. Chúng sẽ trả khoảng 150 – 200 USD cho gia đình các em như một khoản tạm ứng. Với khoản tiền này, những đứa trẻ sẽ trở thành con nợ và phải làm việc để trả lại khoản tiền đó trong vòng 1 năm.
Giống như Shadbuddin, Roshan, 10 tuổi, cũng phải rời khỏi nhà ở Bihar để đến Delhi làm việc. Cha mẹ em đã mất kế sinh nhai và phải vay mượn tiền khắp nơi. Để trả nợ, Roshan phải làm việc trong một xưởng sản xuất vòng đeo tay từ 8h sáng đến 23h đêm với mức lương hàng tháng từ 30-40 USD.
Roshan đã bị đau nhức tay chân do phải ngồi làm việc ở một tư thế trong nhiều giờ và không được cho ăn đúng giờ. Hóa chất được sử dụng để làm vòng đeo tay đã làm bỏng khuôn mặt của cậu bé
“Cháu đã từng cố trốn khỏi nơi này nhưng không thể đi đâu vì lệnh phong tỏa”, cậu bé nói.
Tồi tệ hơn, ông chủ đã lừa Roshan. “Ông chủ nói với cháu rằng ông ta sẽ gửi 40 USD cho bố mẹ cháu. Nhưng khi cháu gọi hỏi bố mẹ, họ nói rằng chỉ nhận được 27 USD”.
Roshan đã may mắn thoát khỏi hoàn cảnh này khi tổ chức Prayas đột kích vào nhà máy và giải cứu 45 đứa trẻ.
Vishal Kumar, điều phối viên đường dây nóng trợ giúp trẻ em của Prayas, cho biết lực lượng cứu hộ đã chứng kiến những đứa trẻ chỉ từ 5-7 tuổi ngồi sản xuất vòng đeo tay trong cuộc đột kích của họ.
“Các em phải dùng hóa chất độc hại và ngồi làm việc liên tục suốt 10 đến 12 giờ,” ông chia sẻ và nói rằng nếu cuộc đột kích xảy ra muộn sau đó dù chỉ 5 phút, thì rất khó để cứu những đứa trẻ vì tin tức đã lan truyền trong khu ổ chuột.
Đường dây nóng Childline 1098 của Ấn Độ đã nhận được gần 400.000 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp trẻ em gặp nạn trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 6/2020. Nhưng trong cùng kỳ năm nay, các cuộc gọi đến đã tăng 40% đến 50%, trung bình là 5.000 cuộc/ngày. Trong đó, có những cuộc gọi vô cùng thương tâm của những đứa trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ vì COVID-19.
“Trong một trường hợp, hai đứa trẻ nhỏ đã phải ở bên thi thể của cha mẹ đã qua đời vì COVID-19. Những đứa trẻ này muốn kêu gọi giúp đỡ hỏa táng cha mẹ mình”, Kundu nói.
Hồi tháng 5, Ấn Độ đã công bố chương trình PM-CARES for Children nhằm hỗ trợ việc giáo dục trẻ em mất cả cha lẫn mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp vì COVID-19. Nhưng các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho rằng việc tập trung vào “trẻ mồ côi COVID-19” sẽ gây những ảnh hưởng lớn đến tâm lý của những đứa trẻ.
Bà Enakshi Ganguly , đồng sáng lập và cố vấn của Trung tâm Quyền trẻ em HAQ, cho biết: “Điều này sẽ tạo ra làn sóng kỳ thị đối với một nhóm trẻ em. Giờ đây, chúng sẽ phải đi khắp nơi để chứng minh rằng mình mồ côi vì COVID-19 để đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chính phủ”.