Theo quy định của Sơ y tế Los Angeles, những người tới tụ điểm giải trí nêu trên phải cung cấp chứng nhận đã tiêm chủng trước khi vào cửa, cũng giống với việc trình thẻ căn cước để đảm bảo người tới đây đủ tuổi theo quy định pháp luật.
Cũng theo quy định mới ban hành, người tham gia các sự kiện ngoài trời có quy mô hơn 10.000 người cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có kết quả xét nhiệm âm tính.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles đến nay vẫn đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phần lớn các sự kiện trong nhà hoặc một số hoạt động ngoài trời.
Tháng trước, thành phố San Francisco cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng vaccine khi ăn tối tại các nhà hàng hoặc tới các khu vui chơi giải trí. Chính quyền thành phố New Orleans ngay sau đó cũng công bố quy định tương tự.
Hiện còn một bộ phận người dân Mỹ không đi tiêm chủng vaccine. Mặc dù việc tiêm chủng miễn phí và giới khoa học khẳng định vaccine có hiệu quả cao trong phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm hoặc biến chứng nặng ỏ người mắc COVID-19, hiện chỉ có 54% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan tại Mỹ.
Trong khi đó, ngày 15/9, chính quyền thành phố New York thông báo yêu cầu lãnh đạo các nước và các nhà ngoại giao tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại thành phố này sẽ phải trình chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Đến nay, có hơn 100 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ, Tổng thống Brazil, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Anh... thông báo sẽ tham dự trực tiếp kỳ họp này. Các nguyên thủ quốc gia khác sẽ có bài phát biểu thông qua video trực tuyến.
Từ ngày 13/9, chính quyền thành phố New York cũng đã yêu cầu các nhà hàng và trung tâm giải trí thực hiện quy định kiểm tra chứng nhận tiêm phòng vaccine của khách hàng.
*Liên quan đến tiến trình phát triển vaccine ngừa COVID-19, Cuba ngày 15/9 thông báo sẽ xúc tiến quy trình xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 Abdala và Soberana tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích sớm thương mại hóa rộng khắp 2 loại vaccine này. Dự kiến, trong ngày 16/9, các chuyên gia của Cuba, Mỹ và WHO sẽ nhóm họp trực tuyến bàn về quy trình.
Trong nước, Cuba đã sử dụng hai loại vaccine nói trên tiêm chủng cho người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ. Chương trình tiêm chủng của Cuba còn sử dụng vaccine của hàng Sinopharm (Trung Quốc). Hiện đã có 38,5% dân số Cuba được tiêm chủng.