EU, Thụy Sĩ nhất trí công nhận chứng nhận tiêm phòng của nhau

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết từ ngày 9/7, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ sẽ công nhận chứng nhận tiêm phòng ngừa COVID-19 của nhau.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho người già tại vùng Lucerne, miền Trung Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy viên châu Âu về tư pháp Didier Reynders cho biết: "Tôi nhiệt liệt hoan nghênh các cơ quan chức năng Thụy Sĩ đã quyết định triển khai hệ thống dựa trên chứng nhận kỹ thuật số về tiêm phòng COVID-19 của EU". Như vậy, chứng nhận này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho việc di chuyển trong EU mà cả giữa khối này với Thụy Sĩ, cho phép công dân EU và Thụy Sĩ di chuyển tự do và an toàn hơn trong mùa Hè này.

 Chứng nhận của EU thực chất là một mã QR trên điện thoại hoặc dưới dạng văn bản giấy, nhằm thể hiện tình trạng tiêm phòng COVID-19 của người sở hữu cũng như cho biết người đó đã khỏi bệnh hoặc gần đây đã có xét nghiệm âm tính.

Bằng chứng tiêm chủng hoặc đã có miễn dịch thông qua một chứng nhận được công nhận có thể giúp người dân đi lại không vấp phải các biện pháp hạn chế như cách ly khi nhập cảnh. Nhưng các nước thành viên EU vẫn chịu trách nhiệm về quy định biên giới của nước mình và bảo lưu quyền áp đặt kiểm soát khẩn cấp nếu tình hình dịch bệnh xuống cấp. Trong tháng này, 27 quốc gia thành viên EU cùng với Iceland, Na Uy và Liechtenstein đã thống nhất các tiêu chuẩn chung trong cách đọc các chứng nhận kỹ thuật số về tiêm phòng COVID-19. Hiện EU đang thảo luận với một số nước ngoài khối và khu vực Kinh tế châu Âu (EAA), trong đó có Anh và Nga, về việc công nhận chứng nhận tiêm phòng của nhau.

Cùng ngày, Đại sứ EU tại Moskva, Markus Ederer cho biết hai bên đang thảo luận về việc này. Nga đã phê chuẩn 4 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó không có vaccine nào được EU phê chuẩn. Nga cũng chưa phê chuẩn bất cứ vaccine nào của nước ngoài.

* Theo phóng viên TTXVN tại Praha, từ ngày 9/7 - 9/8, người dân CH Séc có thể đến Slovakia ngay sau khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và sẽ không phải cách ly khi nhập cảnh. Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jakub Kulhánek cho biết Slovakia mới đây đã thông báo từ ngày 9/7, nước này sẽ yêu cầu cách ly đối với những người chưa được tiêm phòng đầy đủ khi nhập cảnh, trừ một số ngoại lệ. Tháng 8 là giai đoạn chuyển tiếp, vì vậy có thể các điều kiện sẽ được thắt chặt sau ngày 9/8. Theo ông Kulhánek, đối với những người lao động xuyên biên giới, Slovakia sẽ không cần tiếp tục yêu cầu tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân Séc sống gần biên giới. 

Các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã khiến Slovakia phải đóng các cửa khẩu với Séc từ ngày 5/7. Bộ trưởng Ngoại giao Séc cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra. Một nhóm công tác cấp thứ trưởng các Bộ Nội vụ và Ngoại giao hai nước cũng đã được thành lập để điều chỉnh các điều kiện.

* Cùng ngày, Chính phủ Anh thông báo công dân Anh trở về từ hầu hết các nước EU sẽ không phải cách ly nếu đã được tiêm phòng đầy đủ. Quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 19/7 tới, thời điểm Anh hy vọng dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch tại England song kế hoạch này đang ngày càng bị chỉ trích vì sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta.

Theo quy định hiện hành, người Anh sẽ phải cách ly tại nhà 10 ngày khi trở về từ các nước trong "danh sách màu hổ phách" (gồm hầu hết các nước châu Âu trong đó có cả các điểm đến du lịch như Pháp, Tây Ban Nha và Italy). Với quy định mới, họ sẽ không phải cách ly nhưng vẫn phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và vào ngày thứ 2 sau khi nhập cảnh.

Cũng theo quy định mới, trẻ em - đối tượng chưa được tiêm phòng tại Anh - cũng được miễn cách ly sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, những người Anh sống ở nước ngoài đã tiêm đầy đủ vaccine và các cư dân không phải là công dân Anh vẫn phải áp dụng quy định cách ly sau nhập cảnh.

Ngành lữ hành đã hoan nghênh các thay đổi nói trên. Giám đốc sân bay Heathrow, ông John Holland-Kaye gọi đây là "cú hích rất cần thiết đối với hàng triệu người".

* Trong một diễn biến khác, Hy Lạp thông báo sẽ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm nghề đặc biệt từ tuần tới, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh gần đây. Ủy ban đạo đức sinh học Hy Lạp hồi tháng trước đã khuyến cáo việc tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế và những người làm việc ở các cơ sở dưỡng lão sẽ là lựa chọn cuối cùng khi các nỗ lực khuyến khích tiêm chủng không hiệu quả. Người phát ngôn chính phủ cho biết: "Chính phủ đã lắng nghe khuyến cáo trên và sẽ thông báo quyết định vào tuần tới".

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Có một số tranh cãi về việc tính đạo đức của việc bắt buộc tiêm phòng. Trong một cuộc thăm dò, đa số người Hy Lạp được hỏi ủng hộ bắt buộc tiêm phòng đối với một số nhóm đặc biệt phải tiếp xúc nhiều với công chúng.

Hiện khoảng 38% người dân Hy Lạp thuộc đối tượng được tiêm đã tiêm đủ liều vaccine. Chính phủ nước này đã đặt ra những phần quà hấp dẫn để người dân đi tiêm, như tiền mặt hoặc dữ liệu mạng internet miễn phí cho giới trẻ, nhằm nâng tỷ lệ tiêm phòng lên 70% vào mùa Thu tới.

Từ ngày 8/7, Hy Lạp đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhà hàng, quán rượu và câu lạc bộ ban đêm do tình hình dịch tễ diễn biến phức tạp trở lại.

Bích Liên - Hồng Kỳ (TTXVN)
Tiêm phòng chậm, mở cửa nhanh: Châu Á, châu Âu nguy cơ trở thành 'miếng mồi' của biến thể Delta
Tiêm phòng chậm, mở cửa nhanh: Châu Á, châu Âu nguy cơ trở thành 'miếng mồi' của biến thể Delta

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được phát hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lan nhanh tại nhiều nước, bất kể tỷ lệ tiêm chủng thấp hay cao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN