Nhiệt độ, độ ẩm và bề mặt tác động đến thời gian sống sót của virus SARS-CoV-2

Một nghiên cứu mới về sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 ở nhiều thành phố khác nhau và trên các bề mặt khác nhau cho thấy các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và bề mặt ảnh hưởng đến thời gian khô các giọt bắn chứa virus.

Chú thích ảnh
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cung cấp, ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Physics of Fluids số ra ngày 9/6, các nhà nghiên cứu đã xem xét thời gian khô các giọt bắn đọng trên các bề mặt khác nhau ở 6 thành phố trên thế giới, gồm New York, Chicago, Los Angeles, Miami, Sydney và Singapore. Các giọt bắn ra từ miệng hoặc mũi khi một người nhiễm virus ho, hắt hơi hoặc nói. Kích thước giọt bắn tương đương bề ngang của một sợi tóc, và các nhà nghiên cứu đã xem xét các bề mặt thường được chạm đến, như tay nắm cửa và màn hình điện thoại thông minh.

Sử dụng một mô hình toán học, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ môi trường, loại bề mặt và độ ẩm đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, nhiệt độ môi trường càng cao giọt bắn càng khô nhanh và cơ hội sống sót của virus càng giảm. Ở những nơi ẩm hơn giọt bắn lưu lại lâu hơn trên bề mặt, và virus sẽ có cơ hội sống sót lâu hơn.

Các nhà nghiên cứu đã xác định thời gian khô giọt bắn trong các điều kiện thời tiết ngoài trời và nghiên cứu liệu dữ liệu này có liên quan đến tỷ lệ gia tăng các ca nhiễm hay không.

Một trong các tác giả, Amit Agrawal cho biết: "Hiểu về sự sống sót của virus trong các giọt bắn khô dần đi có thể hữu ích đối với nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm khác cũng lây lan qua các giọt bắn, như cúm A".

Nghiên cứu cho thấy các bề mặt, như màn hình điện thoại thông minh, vải hoặc gỗ, cần được làm sạch thường xuyên hơn các bề mặt bằng thủy tinh hay thép là những chất liệu các giọt bắn đọng lại sẽ khô nhanh hơn.

Bích Liên (TTXVN)
Phát hiện vùng khí hậu 'ưa thích' của virus SARS-CoV-2
Phát hiện vùng khí hậu 'ưa thích' của virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học đã nghiên cứu mối liên hệ giữa các ca mắc COVID-19 với các điều kiện khí tượng bao gồm nhiệt độ và độ ẩm, để phát hiện vùng khí hâụ "ưa thích" của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN