Nhật Bản và Australia hoàn tất thỏa thuận về bán liên minh

Sau một thời gian dài đàm phán, Nhật Bản và Australia chuẩn bị ký kết một hiệp định tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang hai nước diễn tập chung.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản bảo vệ tàu HMAS Warramunga của Australia (phải) trong cuộc tập trận chung từ ngày 10-12/11 vừa qua ở phía nam Shikoku, Nhật Bản. Ảnh: Royal Australia Navy

Thỏa thuận có tên gọi "Hiệp ước tiếp cận tương hỗ" này đã trải qua tiến trình đàm phán hơn 6 năm qua. Hiệp ước là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Australia và Nhật Bản, tạo dựng cơ sở pháp lý về cách thức mà quân đội Australia và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoạt động trên lãnh thổ của nhau.

Hiệp ước cũng tạo điều kiện để việc triển khai các lực lượng quốc phòng cho hoạt động huấn luyện chung, hỗ trợ nhân đạo và thiên tai giữa hai nước diễn ra nhanh chóng và giảm bớt các thủ tục hành chính.

Thỏa thuận góp phần thúc đẩy sự tham gia thực tế hơn và tinh vi hơn giữa quân đội Australia và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong các hoạt động và hợp tác chung, đồng thời hỗ trợ hai nước tham gia vào các cuộc tập trận đa phương rộng hơn.

Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida muốn sớm hoàn tất thỏa thuận và trình ra Quốc hội Nhật Bản để phê chuẩn trong phiên họp thường kỳ vào đầu năm sau. Đây được coi là bước tiến mới, phản ánh quan hệ ngày một đi vào chiều sâu giữa Canberra và Tokyo. Nhật Bản muốn sử dụng hình mẫu này để nhân rộng mô hình hợp tác bán liên minh, không kể đến hiệp ước an ninh với Mỹ.

Ngoài Mỹ, Australia là quốc gia thứ 2 mà Nhật Bản ký hiệp ước tương tự. Tokyo và Canberra đã khởi động tiến trình đàm phán từ năm 2014. Lo ngại về việc binh sĩ Australia có thể phải chịu án tử hình tại Nhật Bản được coi là rào cản lớn nhất. Hai bên cuối cùng cũng đã đi đến thỏa thuận Tokyo sẽ không áp dụng quy trình tố tụng đối với các trường hợp binh sĩ Australia phạm phải khi thực hiện nhiệm vụ chính thức. Nhưng các trường hợp phạm tội khác không thuộc diện này vẫn sẽ bị xử theo luật của Nhật Bản.

Hợp tác an ninh Nhật Bản-Australia có bước tiến lớn trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng này, một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản đã hộ tống một tàu tên lửa của Australia trong trong một cuộc diễn tập hải quân. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản bảo vệ tàu của một nước ngoài Mỹ.

Để tăng cường hoạt động điều phối, Lục quân Australia hồi tháng 1 vừa qua đã mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng có kế hoạch mở văn phòng và cử sĩ quan liên lạc tới Australia trong nửa đầu năm 2022. Nhật Bản cũng coi Quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) mới được thành lập hồi tháng 9 vừa qua là cơ hội để mở rộng hợp tác.

Những bước điều phối này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, như cơ chế cuộc gặp “2+2” giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước, cùng với đó là thỏa thuận về xuất khẩu trang bị quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo. Đến nay, Nhật Bản và Australia đã có thỏa thuận về chuyển giao trang bị quân sự, hợp tác tình báo và chia sẻ khả năng hỗ trợ tiếp nhiên liệu.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng coi Anh là một đối tác then chốt về hợp tác an ninh. Tokyo và London đã mở các cuộc đàm phán về thỏa thuận tiếp cận tương hỗ. Nhật Bản đang xem xét khả năng hỗ trợ hộ tống tàu chiến của Anh. Hai bên cũng mở rộng các cơ hội về tập trận trung trong thời gian gần đây, nổi bật là diễn tập có sự tham gia của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (Anh) hồi tháng 8 vừa qua.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asia)
Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar
Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar

Ngày 3/11, nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành giai đoạn một cuộc tập trận hải quân Malabar kéo dài 3 ngày ở vịnh Bengal. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN