Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 230.000 ca/ngày vào ngày 28/7, chủ yếu do sự lây lan mạnh của dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron.
Chính quyền địa phương có thể ban bố các biện pháp tăng cường để chống dịch khi hệ thống y tế trên địa bàn có nguy cơ quá tải, chẳng hạn khi tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 vượt ngưỡng 50%. Các biện pháp tăng cường này bao gồm kêu gọi người dân thực hiện các quy định phòng dịch như tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cử các quan chức tới các địa phương áp dụng các biện pháp trên khi cần để đóng vai trò liên lạc. Ngoài việc trao thêm quyền tự chủ cho các địa phương, theo đài truyền hình NHK, trong cuộc họp ngày 28/7, Thủ tướng Fumio Kishida và các bộ trưởng liên quan trong nội các chia sẻ quan điểm rằng do sự bùng phát của dịch bệnh, ngày càng có nhiều người bị sốt đi khám ở bệnh viện và gánh nặng đối với các cơ sở y tế đang gia tăng nhanh chóng. Do vậy, họ đã nhất trí về sự cần thiết phải ngăn chặn nguy cơ quá tải của các cơ sở y tế trong lúc vẫn duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngày 28/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 233.100 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay, trong đó số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo lần đầu tiên vượt mức 40.000 ca/ngày (40.406 ca). Trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục tăng cao, hệ thống y tế ở nhiều địa phương đang có nguy cơ bị quá tải. Theo Ban Thư ký Nội các, tính tới ngày 27/7, tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 ở 19 trong tổng số 47 tỉnh, thành đã ở trên mức 50%. Các tỉnh có tỷ lệ sử dụng giường cao nhất là Okinawa (88%), Shizuoka và Kanagawa (đều là 74%).
Cùng ngày, tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên trong vòng 3 năm qua của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia (NGA), ông Masao Uchibori, Thống đốc Fukushima, đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong lúc vẫn cân bằng các hoạt động kinh tế-xã hội”. Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, sự lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu gây gián đoạn một số hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản, chẳng hạn như một số hãng vận tải công cộng đã phải hủy hoặc giảm số lượng chuyến do nhiều nhân viên bị mắc COVID-19.