Đây sẽ là điều kiện quan trọng để có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn. Đối với Tokyo, điều kiện đặt ra không chỉ là giảm số ca nhiễm mới xuống dưới 500 ca/ngày mà tỷ lệ lấp đầy giường bệnh phải giảm xuống dưới 50%.
Thủ tướng Suga nêu rõ chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo một hệ thống y tế chủ động cần thiết, kể cả những ca nguy kịch cũng có thể được điều trị kịp thời. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tối đa để các cơ sở y tế không bị thiệt hại kinh tế và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này không phải đắn đo về thu nhập.
Về vấn đề tiêm chủng vaccine, Thủ tướng Suga cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 nhưng chính phủ sẽ cố gắng thúc đẩy càng sớm càng tốt, có thể là giữa tháng 2, sau khi đã xác nhận hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine. Mặc dù Nhật Bản khởi động việc tiêm chủng chậm hơn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả để đảm bảo có thể tiêm chủng được nhiều người trong thời gian ngắn.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng mức tiền hỗ trợ từ 1,4 triệu yen (khoảng gần 1.400 USD) lên 2 triệu yen (1.800 USD), người có thu nhập thấp sẽ được xóa nợ, những gia đình gặp khó khăn trong chi trả tiền thuê nhà do thu nhập giảm sẽ được hỗ trợ thêm tiền thuê nhà trong 3 tháng. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sẽ phối hợp để đảm bảo quyền lợi về việc làm và sinh kế cho người lao động.
Tính đến hết ngày 2/2, Nhật Bản đã phát hiện thêm 2.324 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 937 ca nghiêm trọng, giảm 38 ca so với trước đó 1 ngày nhưng số ca tử vong lên đến 119 ca, cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Tokyo vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất với 556 ca, qua đó đạt tỷ lệ trung bình trong 7 ngày qua dưới 1.000 ca/ngày, tuy nhiên hệ thống y tế vẫn đang quá tải và đã nhiều trường hợp tử vong khi tự điều trị tại nhà. 23 ca tử vong cũng là con số tử vong cao nhất trong ngày tại thủ đô Tokyo tính đến thời điểm hiện tại.