COVID-19 tại ASEAN hết 2/2: Thái Lan vượt 20.000 ca mắc; Philippines 'đang chìm sâu'

Ngày 2/2, các nước ASEAN ghi nhận trên 16.300 ca mắc COVID-19 và xấp xỉ 400 ca tử vong. Số ca mắc ở Thái Lan đã vượt 20.000 trong khi Tổng thống Philippines thừa nhận "Chúng ta đang ngày càng chìm sâu", với GDP đã giảm 9,5% trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 31/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.309 ca mắc COVID-19 và 394 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.074.175 ca mắc COVID-19 trong đó có 45.530 ca tử vong và 1.838.112 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó, riêng Indonesia chiếm phần lớn với 304 ca. Với trên 10.300 ca nhiễm mới, tình hình Indonesia càng ngày càng căng thẳng. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca bệnh lên tới xấp xỉ 1,1 triệu người và trên 30.500 ca tử vong.

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ hai trong khối với trên 3.455 trường hợp. Trong khi đó, Thái Lan trải qua một ngày có 836 ca nhiễm mới, 2 ca tử vong. Myanmar không có báo cáo tình hình COVID trong bối cảnh nước này đang rơi vào bất ổn chính trị với cuộc binh biến ngày 1/2. 

Các quốc gia Campuchia, Brunei, Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào, trong khi Timor Leste có thêm 5 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 2/2/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Tổng thống Philippines: "Chúng ta đang chìm sâu hơn"

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết giữ cho nền kinh tế không bị "đắm" bởi đại dịch trong bối cảnh chính quyền đang chạy đua đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho hầu hết dân số. 

"Chúng ta đang ngày càng chìm sâu hơn. Chúng tôi đang cố gắng cao nhất để giữ cho chúng ta nổi", ông Duterte phát biểu trên truyền hình trực tiếp vào tối 1/2.  

Tổng sản phẩm quốc nội của Philippines đã sụt giảm 9,5% trong năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 1946. 

Hiện tại Philippines đang đàm phán mua 178 triệu liều vaccine COVID, đủ tiêm cho 92 triệu người. Con số này vượt xa mục tiêu ban đầu là 148 triệu liều - theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez. 

Chú thích ảnh
Biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện sớm hơn ở Philippines, vào 10/12/2020. Ảnh: Reuters 

Dự kiến khoảng 3 triệu liều vaccine sẽ được bàn giao trong tháng 2 và phần tiếp theo được giao trong quý 3 và 4 năm nay. Chính phủ dự kiến sẽ ưu tiên tiêm trước cho các nhân viên y tế và lực lượng lao động tuyến đầu như lái xe, nhân viên dịch vụ thực phẩm....

Đến hết ngày 2/2, Philippines ghi nhận 528.853 ca COVID-19, trong đó có 10.874 ca tử vong và 487.611 người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc ở Thái Lan vượt ngưỡng 20.000

Thái Lan ngày 2/2 ghi nhận thêm 836 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 20.618 người. Trong số các ca mắc mới được công bố, có 819 trường hợp lây nhiễm trong nước và 17 ca nhập cảnh.  

Cùng ngày, Thái Lan thông báo thêm 2 trường hợp tử vong do COVID-19, đều là người cao tuổi, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 79 bệnh nhân.

Dự kiến, Thái Lan sẽ công bố kế hoạch cụ thể cho việc tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc vào giữa tháng này. Chủ tịch Tiểu ban quản lý vaccine ngừa COVID-19 của Chính phủ Thái Lan Sophon Mekthon cho biết cơ quan này đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng quốc gia và sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 6 khi hãng Siam Bioscience bắt đầu sản xuất vaccine của AstraZeneca.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) cho biết Johnson & Johnson cũng đang tìm cách đăng ký vaccine ngừa COVID-19 mũi đơn ở quốc gia Đông Nam Á này.

Theo ông Sophon, AstraZeneca dự kiến sẽ gửi lô vaccine đầu tiên vào đầu tháng này, nhưng do những hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) nên cần phải kéo dài thời gian giao hàng.

Thái Lan cũng đã đặt hàng 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc và FDA hiện đang nghiên cứu hiệu quả cũng như tác dụng phụ của vaccine Sinovac trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp trong nước. Cho đến nay, Sinovac vẫn chưa gửi tất cả các tài liệu cần thiết để phê duyệt, vì vẫn đang chờ sự phê duyệt đầy đủ từ các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Thái Lan cho biết khoảng 50.000 liều vaccine đầu tiên từ AstraZeneca và 200.000 liều từ Sinovac sẽ được bàn giao trong tháng 2. Chính phủ nước này cho biết đang triển khai mọi khâu chuẩn bị đúng lộ trình để tiến hành tiêm chủng diện rộng từ tháng 6, chủ yếu sử dụng 61 triệu liều vaccine của AstraZeneca sản xuất trong nước và 2 triệu liều vaccine của Sinovac đã được cấp phép trước đó.

Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa

Cùng ngày 2/2, Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên cả nước, ngoại trừ 1 bang,  và những hạn chế đi lại thêm 2 tuần nữa, đến ngày 18/2, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới.

Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 4/2. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob dẫn thống kê của Bộ Y tế cho hay số ca mắc mới tại tất cả các bang ở nước này tiếp tục tăng và khả năng lây lan dịch trong cộng đồng vẫn ở mức cao. 

Lệnh phong tỏa cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp và thương nhân nhỏ, song vẫn duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang và hoạt động xã hội. 

Malaysia ngày 1/2 đã ghi nhận trên 4.000 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên xấp xỉ 220.000 ca, trong đó có 770 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Denpasar, Bali, Indonesia, ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia nhận thêm 10 triệu liều vaccine dạng nguyên liệu thô từ Sinovac

Ngày 2/2, người phát ngôn chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi, cho biết trong sáng cùng ngày quốc gia này đã tiếp nhận từ hãng Sinovac của Trung Quốc nguyên liệu thô để sản xuất 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Bà Siti cho biết đây là lô vaccine thứ tư mà nước này tiếp nhận từ Sinovac và sẽ được sử dụng cho các nhân viên công vụ trong giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia. Giai đoạn này sẽ hướng đến 17,4 triệu nhân viên công vụ làm việc tại các bộ phận có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà Nadia cũng cho biết chương trình tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ hoàn tất chậm nhất vào cuối tháng 2 này. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 1/2, đã có 539.532 nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi đầu tiên và 35.406 người khác được tiêm mũi thứ hai.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 21/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia Oscar Primadi cho biết tính đến nay Indonesia đã tiếp nhận 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Sinovac, trong đó 3 triệu liều sẵn sàng để sử dụng và 25 triệu liều ở dạng nguyên liệu thô. Giới chức Indonesia cho biết trong số nguyên liệu thô đã tiếp nhận hôm 12/1, nước này đang xử lý lượng nguyên liệu cho 15 triệu liều và dự kiến sẽ sẵn sàng để sử dụng vào ngày 11/2 tới. Trong khi đó, số nguyên liệu được tiếp nhận ngày 2/2 sẽ bắt đầu được xử lý từ ngày 13/2 và dự kiến hoàn tất vào ngày 20/3.

Tính đến nay, Indonesia đã nhận được các cam kết cung ứng và đặt mua tổng cộng 663 triệu liều vaccine từ các hãng AstraZeneca của Anh, Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Canada và Pfizer của Mỹ. Quốc gia này cũng đã chính thức khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 hôm 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm ngừa cho 181,5 triệu người trong vòng 15 tháng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 tại Brazil đã thất bại như thế nào?
Kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 tại Brazil đã thất bại như thế nào?

Một số bệnh nhân nặng nhất ở thành phố São Paulo, Brazil, được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt tại khu điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở Viện Truyền nhiễm Emilio Ribas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN