Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động trong các ngành như sản xuất, xây dựng và nông nghiệp.
Hạn mức mở rộng được áp dụng đối với những ứng viên tham gia chương trình “kỹ năng đặc định” được triển khai từ năm 2019 dành cho người lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn và tiếng Nhật. Tính đến tháng 11/2023, có khoảng 200.000 người đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này.
Chính phủ Nhật Bản đưa ra hạn mức mới dựa trên tình trạng thiếu lao động có thể xảy ra trong một số ngành nhất định ngay cả khi người sử dụng lao động tăng lương và thực hiện các thay đổi khác để thu hút nhân tài. Trước đó, Nhật Bản đã giới hạn chương trình này ở mức 345.000 người trong 5 năm cho đến tháng 3/2024.
Người lao động hiện có thể làm việc ở một trong 12 lĩnh vực theo quy định, hầu hết là “kỹ năng đặc định loại 1” – có thể làm việc tại Nhật Bản tối đa 5 năm. Nếu vượt qua các bài kiểm tra, người lao động có thể chuyển lên “kỹ năng đặc định loại 2”, có thể cư trú tại Nhật Bản vô thời hạn, đưa các thành viên trong gia đình đến và cuối cùng nộp đơn xin thường trú. Tính đến cuối tháng 11/2023, chỉ có 29 công nhân lành nghề được chỉ định “loại 2” ở Nhật Bản.
Tháng 2 vừa qua, chính phủ nước này đã đề xuất mở rộng chương trình lao động “kỹ năng đặc định”, bổ sung thêm 4 lĩnh vực bao gồm vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ, nâng tổng số ngành lên 16.
Nhật Bản cũng đang nghiên cứu giải pháp thay thế chương trình thực tập sinh kỹ thuật dành cho lao động phổ thông - vốn bị chỉ trích vì lương thấp và lạm dụng lao động. Chương trình mới thay thế dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2027.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10/2023, có khoảng 2 triệu người nước ngoài đang lao động tại Nhật Bản và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Theo một số dự báo, khoảng 10% dân số ở Nhật Bản sẽ là người nước ngoài vào năm 2100.