Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngoài lực lượng nòng cốt là khoảng 20.000 nhân viên cảnh sát của Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo, chính phủ còn huy động hàng nghìn nhân viên cảnh sát từ nhiều tỉnh trên khắp cả nước để phục vụ cho một hệ thống an ninh nhiều lớp.
Lực lượng này đảm nhận trọng trách bảo vệ sân bay Haneda và Nippon Budokan, cùng nhiều cơ sở trọng yếu khác ở thủ đô Tokyo, đồng thời bảo đảm an toàn cho các quan khách nước ngoài.
Từ ngày 26-28/9, cảnh sát Tokyo dự kiến sẽ cấm một số đoạn đường cao tốc ở thủ đô và một số tuyến đường khác trong nội thành để tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách quốc tế di chuyển.
Theo dự kiến, lễ quốc tang sẽ được tổ chức vào 14h ngày 27/9 tại Nippon Budokan. Chính phủ Nhật Bản ước tính có khoảng 4.300 quan khách trong và ngoài nước sẽ tới dự quốc tang của cố Thủ tướng Abe Shinzo.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết trong số này, có khoảng 3.600 quan khách trong nước, trong đó có Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, hơn 700 nghị sỹ, nguyên nghị sỹ Quốc hội và 44 thống đốc các tỉnh/thành và khoảng 700 quan khách đến từ 217 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và đại diện các tổ chức quốc tế, trong đó có 35 nguyên thủ/người đứng đầu chính phủ.
Nhật Bản hiếm khi tổ chức quốc tang cho lãnh đạo đất nước. Lần gần đây nhất nước này tổ chức quốc tang là năm 1967 cho ông Shigeru Yoshida, người đã từng giữ chức thủ tướng vào thời điểm nước này phục hồi từ đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Để tôn vinh các đóng góp của cố Thủ tướng Abe, hôm 11/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định truy tặng ông danh hiệu cao quý nhất “Chiếc vòng cổ Huân chương Hoa cúc”. Ông là vị thủ tướng thứ 4 của Nhật Bản được trao tặng danh hiệu này sau các cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida, Eisaku Sato và Yasuhiro Nakasone.