Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 30 phút, hai quan chức ngoại giao đã nhất trí sẽ giữ liên lạc thường xuyên trong thời gian ông Erywan Yusof đảm đương vai trò Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Motegi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm Myanmar sắp tới của ông Erywan Yusof, trong đó có việc sớm thúc đẩy các cuộc đối thoại với các bên liên quan tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoại trưởng Motegi cũng cam kết Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa, bằng tất cả các biện pháp có thể đối với hoạt động của Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Về phần mình, ông Erywan Yusof đã trao đổi về một số tình hình Myanmar hiện nay và dự kiến chương trình hoạt động của ông với tư cách là Đặc phái viên ASEAN tại quốc gia này. Ông Erywan Yusof đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Nhật Bản tại Myanmar với tổng trị giá lên đến 20 triệu USD, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị vào đầu tháng 2 năm nay,.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11, diễn ra tối 4/8, Ngoại trưởng Motegi đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn việc ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên tại Myanmar như một phần trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng NLD với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử. Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Ngày 26/7 vừa qua, chính quyền quân sự đã hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng.
Lãnh đạo các nước ASEAN trong cuộc họp hồi tháng 4 đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN.