Trong công trình nghiên cứu này, ông Kenichi Imai, Giáo sư bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học thuộc Khoa răng của Đại học Nihon và các cộng sự đã lấy mẫu nước bọt của 90 bệnh nhân mắc COVID-19 từng tới khám tại một phòng khám ở Nagoya trong thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2022, sau đó sử dụng phương pháp ly tâm và xét nghiệm di truyền để phân tích trạng thái của các biến thể Omicron và Delta cùng với chủng virus SARS-CoV-2 gốc trong nước bọt của các bệnh nhân này.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các phần tử virus tồn tại ở hai trạng thái trong nước bọt gồm: nằm trong các tế bào hoặc bám vào bề mặt của chúng; hoặc tồn tại ở trạng thái không có tế bào, không liên kết với các tế bào. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tập trung nghiên cứu các phần tử virus ở trạng thái không có tế bào và phát hiện rằng đối với biến thể Omicron, số lượng các phần tử virus này lên tới 3,21 triệu phần tử/cm3 nước bọt, gấp khoảng 3 lần so với con số 1,17 triệu phần tử/cm3 nước bọt của biến thể Delta và gấp 18 lần so với con số 180.000 phần tử/cm3 của chủng virus gốc.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, Giáo sư Imai khẳng định trạng thái tồn tại của virus trong nước bọt có thể là yếu tố chính đằng sau sự lây lan của biến thể Omicron qua không khí.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết phát hiện trên có thể lý giải nguyên nhân làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron kéo dài. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng khuyến nghị cần thông gió trong phòng và đeo khẩu trang trong thời gian tới.
Biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào mùa Đông năm ngoái và là tác nhân chính dẫn tới đợt bùng phát thứ sáu của dịch COVID-19 ở nước này. Kể từ đó tới nay, Omicron vẫn là biến thể chủ đạo trong hai đợt bùng phát sau đó, bao gồm cả đợt bùng phát thứ tám hiện nay.