Nhật Bản phá hủy tòa nhà trụ vững sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Thành phố Hiroshima tại Nhật Bản mới đây đã đưa ra kế hoạch dỡ bỏ hai tòa nhà còn sót lại sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn muốn bảo tồn tòa nhà như một dấu mốc lịch sử.

Chú thích ảnh
Hai tòa nhà còn trụ vững sau vụ thả bom được cảnh báo không an toàn khi có động đất. Ảnh: BBC

Theo kênh BBC (Anh), hai tòa nhà vẫn trụ vững này đều được xây dựng từ năm 1913. Ban đầu, chúng được sử dụng làm nhà xưởng sản xuất trang phục cho quân đội, sau đó trở thành ký túc xá của sinh viên đại học. Sau vụ ném bom, tòa nhà được sử dụng như một bệnh viện dã chiến. 

Hai tòa nhà chỉ cách trung tâm vụ nổ 2,7 km nhưng còn trụ vững là bởi chúng được xây kiên cố từ bê tông cốt thép, lớp tường ngoài được xây bằng gạch đỏ. Chỉ có các của sổ và cửa ra vào bằng kim loại bị hư hại sau vụ thả bom. 

Tuy nhiên, theo một đánh giá năm 2017, các nhà chức trách đã phát hiện công trình kiến trúc này rất dễ có khả năng đổ sập nếu xảy ra một trận động đất mạnh. Hơn nữa, các công trình không còn được sử dụng và không được mở cửa đón du khách thăm quan nên chính quyền địa phương đã quyết định sẽ phá hủy chúng vào năm 2022.

Kế hoạch phá bỏ đang vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân địa phương. Ông Iwao Nakanishi (89 tuổi), một nhân chứng may mắn sống sót sau của ném bom, hiện tại là trưởng nhóm kêu gọi bảo tồn các tòa nhà tại địa phương đã lên tiếng kêu gọi tu sửa công trình lịch sử này. 

“Xét về ý nghĩa lịch sử của thảm kịch này đối với thế hệ tương lai, chúng tôi không thể nào chấp nhận việc phá dỡ 2 tòa nhà này. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, những tòa nhà này đã không được sử dụng mặc dù chính quyền địa phương có thể tu sửa và bảo tồn chúng thành điểm du lịch.” ông nói và cho rằng tòa nhà có thể được sử dụng để thúc đẩy kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Tháng 8/1945, Mỹ đã ném quả bom hạt nhân đầu tiên xuống thành phố Hiroshima khiến ít nhất 140.000 người thiệt mạng. Chỉ 2 ngày sau đó, máy bay B-29 của Mỹ tiếp tục thả một quả bom khác xuống thành phố Nagasaki cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong một cuộc chiến.

Chú thích ảnh
Bom nguyên tử đã phá hủy hàng ngàn tòa nhà ở Hiroshima. Ảnh: AFP

Cuộc tấn công gần như san phẳng hầu hết thành phố. Tính đến năm 2018, chỉ có 85 tòa nhà còn tồn tại trong vòng bán kính 5 km tính từ trung tâm của vụ nổ. Hai tòa nhà mà chính quyền Hiroshima dự định dỡ bỏ là một trong số ít những công trình còn trụ vững.

Chính quyền thành phố Hiroshima cũng cho biết một tòa nhà khác còn sót lại sau vụ thả bom vẫn được bảo tồn. Tường và mái của tòa nhà sẽ được sửa chữa và gia cố để đảm bảo an toàn khi gặp động đất. 

Chú thích ảnh
Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima vẫn sẽ được bảo tồn. Ảnh: Getty Images

“Những tòa nhà này là nhân chứng sống nhắc nhở chung ta về sự kinh hoàng của bom nguyên tử. Tôi đã cảm thấy mạnh mẽ hơn khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng. Bởi vậy, tôi muốn tất cả các tòa nhà đều được bảo tồn”, một vị khách 69 tuổi cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hiroshima và Nagasaki: Hàn gắn vết thương chiến tranh
Hiroshima và Nagasaki: Hàn gắn vết thương chiến tranh

Bảy mươi hai năm về trước, vào sáng ngày 6/8 và 9/8/1945, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong nhịp sống như thường lệ đột nhiên phải gánh chịu thảm kịch kinh hoàng. Hai quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man do quân đội Mỹ ném xuống đã đẩy hai thành phố vào cảnh tang thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN