Ngày 12/5, Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, cho biết nước nhiễm phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra biển từ một lỗ hổng tại lò phản ứng số 1, khiến lượng nước mát tại đây giảm xuống rõ rệt.
TEPCO cho biết, liên tục trong nhiều ngày qua, họ đã bơm một lượng lớn nước mát vào bên trong lò phản ứng số 1 để làm giảm nhiệt ở đây, song mức nước trong lò không hề tăng lên. Ban đầu, TEPCO nghi ngờ thiết bị đo mức nước hoạt động không chính xác nên đã cử công nhân vào tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 để chỉnh lại thiết bị này. Nhưng sau đó, mực nước ở đây vẫn tiếp tục giảm và đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay nên TEPCO suy đoán rằng có thể nước trong lò đã rò rỉ ra bên ngoài qua một lỗ hổng.
Theo TEPCO, các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng số 1 có thể đã nóng chảy sau khi lộ hoàn toàn khỏi mặt nước. TEPCO ước tính có khoảng 55% nhiên liệu ở lõi của lò phản ứng số 1 bị hư hại và đã bơm vào buồng áp từ 6-8 tấn nước/giờ để cố gắng làm mát các thanh nhiên liệu còn lại và bù đắp lượng nước hiện ở mức thấp hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu.
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết chính phủ sẽ cho tiêu hủy toàn bộ vật nuôi trong vòng bán kính 20 km xung quanh Fukushima 1. Các cơ quan chức năng tỉnh Kanagawa cũng thông báo đã phát hiện nồng độ chất phóng xạ cesium trong lá chè trồng tại tỉnh này cao hơn giới hạn cho phép. Kanagawa là tỉnh đầu tiên ở Nhật Bản phát hiện chất phóng xạ trong lá chè kể từ khi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại Fukushima 1.
Trong khi đó, Ủy ban điều tra động đất của chính phủ Nhật Bản đã quyết định xem xét lại toàn bộ các dự báo về khả năng xảy ra động đất ở vùng biển quanh Nhật Bản, đặc biệt là dự báo về khả năng xảy ra 3 trận động đất lớn ở các vùng biển Tokai, Tonankai và Nankai. Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ tăng số điểm quan trắc, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát ô nhiễm phóng xạ đang lan rộng tại khu vực quanh Fukushima 1.
Trong một diễn biến khác, Công ty Điện lực Chubu đã chính thức ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka kể từ ngày 12/5, theo yêu cầu của Thủ tướng Naoto Kan do lo ngại các biện pháp chống động đất và sóng thần của nhà máy chưa thỏa đáng. Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka đang cung cấp điện cho hàng loạt cơ sở sản xuất lớn ở miền trung Nhật Bản, trong đó có các cơ sở của các tập đoàn Toyota và Suzuki. Nhà máy nằm trong khu vực được dự báo có khả năng xảy ra một trận động đất mạnh 8 độ Richter.
Nhóm P/v TTXVN tại Nhật Bản- Lê Hải