Nhật Bản: Nhiệt độ nước biển tăng cao tẩy trắng 60% san hô ngoài khơi đảo Amami-Oshima

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản dẫn kết quả khảo sát của Hiệp hội nghiên cứu sinh vật biển Amami, cho biết hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng ngoài khơi đảo Amami-Oshima, thuộc tỉnh Kagoshima (Tây Nam Nhật Bản) đã khiến 61,2% số san hô tại đây bị chết.

Chú thích ảnh
San hô bị tẩy trắng ngoài khơi Kohamajima, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Hiện tượng tẩy trắng này được cho là do nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường trong mùa Hè năm 2024. Cụ thể, nhiệt độ trung bình của đại dương tại khu vực này tăng lên đến 30,2 độ C trong tháng 7 và 30,4 độ C trong tháng 8 - cao hơn tới 2,1 độ C so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức nhiệt độ quá ngưỡng chịu đựng của san hô, dẫn đến tình trạng san hô chết hàng loạt.

Hiệp hội nghiên cứu sinh vật biển Amami đã tiến hành khảo sát tại 63 điểm trong vùng biển quanh Amami-Oshima từ tháng 10 đến tháng 11/2024. Kết quả cho thấy tất cả các điểm khảo sát đều ghi nhận tình trạng san hô bị chết do tẩy trắng. Tỷ lệ chết cao nhất được ghi nhận ở các khu vực như Vịnh Kasari và Vịnh Ongachi, nơi nhiều quần thể san hô hình bàn và san hô Acropora hình cành cây đã biến mất hoàn toàn. Hiện tượng lần này được so sánh với sự kiện tẩy trắng hàng loạt vào năm 1998, khi một lượng lớn san hô tại khu vực này bị tẩy trắng đến chết. 

Tẩy trắng san hô không phải là điều mới mẻ tại Amami-Oshima. San hô ở đây từng phục hồi sau sự kiện năm 1998, nhưng phải chịu thêm tổn thất từ sự bùng nổ của sao biển gai – loài ăn san hô. Dù hiện tượng tẩy trắng vẫn diễn ra vài năm một lần, san hô đã có những dấu hiệu hồi phục. 

Tuy nhiên, với tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học lo ngại rằng các sự kiện tẩy trắng có thể xảy ra thường xuyên hơn, gây áp lực ngày càng lớn đối với hệ sinh thái biển. 

Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu sinh vật biển Amami bày tỏ sự lo ngại sâu sắc: “Tôi rất sốc vì san hô đã phục hồi từ năm 1998. Tuy nhiên, các rạn san hô ở vùng nước sâu hơn, nơi ít chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ cao, vẫn đang tồn tại. Điều tích cực là không có dấu hiệu bùng phát của sao biển gai, do đó tôi hy vọng rằng san hô sẽ phục hồi nhanh chóng”.   

Phát hiện này là một lời cảnh báo nghiêm khắc về tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái biển. Hệ san hô không chỉ là nhà của hàng nghìn loài sinh vật biển mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển và duy trì cân bằng sinh thái. 

Các chuyên gia kêu gọi hành động ngay lập tức để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của san hô. Việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô như ở Amami-Oshima sẽ cần đến sự chung tay từ cả cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách.

Xuân Giao (TTXVN)
Phát hiện hiện tượng tẩy trắng san hô đáng báo động ở Biển Đỏ
Phát hiện hiện tượng tẩy trắng san hô đáng báo động ở Biển Đỏ

Cơ quan Thiên nhiên và Công viên Israel (NPA) ngày 5/11 cho biết các nhà nghiên cứu và nhà sinh thái học đại dương của nước này đã phát hiện hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng tại vùng vịnh Aqaba, nằm ở phía Bắc Biển Đỏ, ngoài khơi thành phố Eilat (Israel).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN