Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 28/11 cho biết Nhật Bản và Nga đang cân nhắc thiết lập một khung tham vấn cấp cao nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hướng tới ký kết hiệp định hòa bình song phương hậu chiến.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina để thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài lâu nay ngăn hai nước ký kết hiệp định hòa bình, đồng thời thống nhất về việc triển khai khung tham vấn nói trên.
Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov cũng cho biết cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe sẽ thảo luận về việc thiết lập một khung tham vấn đặc biệt nhằm thúc đẩy đàm phán hiệp định hòa bình.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo hy vọng có thể tiến hành các cuộc đàm phán đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước ngay trong năm nay, sau cuộc gặp thượng đỉnh nói trên giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin, đồng thời đặt nền móng thúc đẩy đàm phán đạt tiến triển khi Thủ tướng Abe thăm Nga vào tháng 1/2019.
Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức tại Nga hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Putin đã đề xuất Nga và Nhật Bản ký kết hiệp ước hoà bình vào cuối năm nay mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Theo nhà lãnh đạo Nga, việc ký kết hiệp ước hoà bình sẽ góp phần gia tăng mức độ tin cậy giữa hai nước, đưa tới các giải pháp cho vấn đề còn tồn tại. Trong khi đó, Thủ tướng Abe nêu rõ lập trường của Tokyo, theo đó sẽ ký kết hiệp ước sau khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trở ngại chính trong vấn đề này là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Quần đảo này gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan. Tranh chấp lãnh thổ ngăn cản hai nước ký hiệp định hòa bình, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.