Phát biểu trong cuộc họp với người đồng cấp Vương Nghị tại New York (Mỹ) bên lề hội nghị cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bàn về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Kishida đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện một lập trường cương quyết đối với các hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đối thoại. Trước đó cùng ngày, ông Vương Nghị đã kêu gọi nối lại vòng đàm phán 6 bên nhằm mục đích thúc đẩy tiên trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Quan chức này cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương vốn còn căng thẳng trong bối cảnh năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngay sau những tuyên bố trên, rạng sáng 29/4 (theo giờ Việt Nam), Triều Tiên vừa tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất song dường như thất bại. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), vụ phóng xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương). JSC cho biết hiện vẫn đang phân tích tình hình, đồng thời khẳng định quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ về khả năng Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích và Seoul sẽ duy trì thế phòng thủ.
Trước đó, các nhà ngoại giao cho biết trong cuộc găp ba bên cũng diễn ra bên lề hội nghị cấp bộ trưởng của HĐBA LHQ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí sẽ đẩy mạnh nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, trong đó có lệnh cấm dầu mỏ, nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo mới.
Theo các nhà ngoại giao, bên cạnh một lệnh cấm vận dầu mỏ, một số phương án khác cũng đang được cân nhắc trong nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA LHQ bao gồm các biện pháp như "cấm cửa" hãng hàng không quốc gia Air Koryo của Triều Tiên trên toàn cầu, cấm các công nhân Triều Tiên ra nước ngoài làm việc, và "đánh" mạnh vào hoạt động xuất khẩu than đá và hải sản của Bình Nhưỡng.
Hiện tại, việc hạn chế nhằm vào hoạt động xuất khẩu than đá của Triều Tiên đã được thực thi. Trung Quốc, nhà nhập khẩu than đá lớn nhất của Triều Tiên, gần đây đã nhất trí tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này từ nước láng giềng. Giới quan sát nhận định tất cả động thái trên là nhằm "đánh mạnh" vào những nguồn doanh thu mà Triều Tiên có thể sử dụng đế phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên mức độ đáng báo động.