Nhật Bản đứng trước nỗi lo gia tăng nạn tự tử tuổi vị thành niên

Năm 2019, các vụ tự tử tại Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 10 năm liên tiếp. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với nạn tự tử tăng cao ở lứa tuổi vị thành niên.

Chú thích ảnh
Áp lực thành công trong học tập là một trong những lý do gây ra các vụ tự tử ở giới trẻ. Ảnh: Kyodo

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia công bố hôm 17/3, Nhật Bản ghi nhận tổng số 20.169 ca tự tử trong năm 2019, giảm 617 ca so với những năm trước đó. Đây được đánh giá là mức thấp nhất kể từ khi cảnh sát nước này bắt đầu tổng hợp số liệu tự tử trên toàn quốc từ năm 1978.

Mặc dù số lượng các vụ tự tử nói chung đã suy giảm, tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang phải chiến đấu với nạn tự tử ở những người trẻ tuổi. Trong năm 2019, có 659 người Nhật từ 20 tuổi trở xuống đã tự kết liễu, tăng 60 ca so với năm trước. Không chỉ riêng ở Nhật Bản mà ở các quốc gia khác trên thế giới, đây là nhóm tuổi duy nhất đang có xu hướng tự tử tăng cao.

“Nhìn chung, ở hầu hết các quốc gia, có rất nhiều vụ tự tử ở tuổi vị thành niên. Nguyên nhân chủ yếu là do những người trẻ tuổi phải trải qua những cuộc khủng hoảng hoặc giai đoạn khó khăn trong cuộc sống vào thời điểm họ chưa đủ chín chắn để giải quyết tình huống. Những người trẻ tuổi thường cảm thấy bất ổn trong các mối quan hệ, họ bị khủng hoảng sâu sắc và nhanh chóng hơn, họ cũng không có nhiều kinh nghiệm như những người lớn tuổi để vượt qua thời điểm đó”, ông Yukio Saito, cựu Chủ tịch Hiệp hội phòng chống tự tử Nhật Bản, Giám đốc Điều hành của đường dây nóng tư vấn qua điện thoại Inochi-no-Denwwa, cho biết.

Chú thích ảnh
Học sinh tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), nạn bắt nạt học đường từ lâu đã trở thành nguyên nhân của các những vụ để lại thư tuyệt mệnh của giới trẻ Nhật Bản. Các chuyên gia tâm đánh giá mối quan hệ giữa những người trong độ tuổi này là một vấn đề tiềm ẩn.

Một ngày trước khi số liệu thống kê sự suy giảm các vụ tự tử được công bố, một cô gái 18 tuổi đã tử vong khi nhảy từ tầng 13 của toà nhà chung cư tại tỉnh Aichi, miền Bắc Nhật Bản khoảng 10 giờ tối. Cảnh sát cho biết cha mẹ và giáo viên tại trường cũng không rõ lý do tại sao và không tìm thấy thư tuyệt mệnh của cô.

Năm 2003, số vụ tự tử tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất với 34.427 ca, sau hơn một thập kỷ nền kinh tế bị suy thoái khiến các chủ doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những con số đáng báo động đó đã thu hút sự chú ý của các quan chức chính phủ, chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp và các nhóm hỗ trợ tư nhân. Họ quyết định thực hiện một số sáng kiến để giảm xu hướng này.

Cùng với nỗ lực giảm căng thẳng tại nơi làm việc, giới thiệu các đường dây nóng tư vấn 24 giờ, một số chuyên gia đã đưa ra những giải pháp sáng tạo khác. Nhiều ga đường sắt tại Nhật Bản đã lắp đặt đèn chiếu sáng và kính màu xanh lam ở sân ga, nơi thường xảy ra các vụ tự tử. Ánh sáng màu xanh được thiết kế có hiệu ứng nhẹ nhàng sẽ phản chiếu hình ảnh trên các tấm kính nhằm mục đích nhắc nhở giá trị bản thân cho bất kỳ ai có ý định tự tử.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà ga đường sắt tại Nhật Bản đã cài đặt các biện pháp chống tự tử. Ảnh: Kyodo

Trong khi số lượng thanh thiếu niên tự tử ở Nhật Bản rất đáng báo động, ở mức 2,8 trường hợp tự sát trên 100.000 người, số liệu này vẫn thấp hơn tỷ lệ ở các nhóm tuổi tương tự tại Mỹ, với mức 14,6 ca tự tử trên 100.000 người năm 2017. Còn tại Anh, có 11,2 người tự sát trên 100.000 người vào năm 2018.

Giám đốc dịch vụ tư vấn TELL Lifeline, Vicki Skorji, cho biết, thế giới đang chứng kiến ​​sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, với 90% các vụ tự tử đều liên quan đến trầm cảm. Số liệu người tự sát sẽ phản ánh sự gia tăng bệnh trầm cảm ở những người trẻ tuổi trên khắp thế giới. Đây là một hiện tượng phổ biến ở các nước phát triển, nơi những người trẻ tuổi phải chịu nhiều áp lực thành công từ khi còn trẻ.

“Họ có ít thời gian rảnh rỗi và có quá nhiều hoạt động được lên kế hoạch. Đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, họ đã bị kiệt sức. Cùng với đó, các khoản nợ sinh viên phát sinh khi lên đại học và áp lực tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp cũng khiến những người trẻ tuổi phải chịu thêm nhiều áp lực”, cô Skorji nói.

Trong những tình huống này, ông Saito cho biết mối quan hệ gia đình có tác động rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ vị thành niên. Nếu được gia đình chia sẻ và hỗ trợ, họ sẽ có một khởi đầu tốt đẹp. Nhưng nếu gia đình gặp khó khăn, những người trẻ tuổi sẽ càng căng thẳng hơn. Khi đó, những người bạn thân hoặc thậm chí là thầy cô giáo tâm lý sẽ là một nguồn động viên đáng tin cậy.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hội chứng Hikikomori - bi kịch của xã hội Nhật Bản hiện đại
Hội chứng Hikikomori - bi kịch của xã hội Nhật Bản hiện đại

Số lượng ngày càng tăng những người sống xa lánh xã hội, hay Hikikomori trong tiếng Nhật – là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất mà đất nước Mặt trời mọc đang phải đối mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN