Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đứng đầu danh sách này. Mỹ và Tây Ban Nha lần lượt xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách.
Trong báo cáo công bố hai năm một lần, Nhật Bản xếp thứ 4 về cơ sở hạ tầng giao thông hàng không và tài nguyên văn hóa, thứ 6 về cơ sở hạ tầng mặt đất và cảng, và thứ 12 về tài nguyên thiên nhiên. Ở mục khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, "Đất nước Mặt trời mọc" xếp vị trí khiêm tốn thứ 107/117. Ngoài Nhật Bản, các nước phương Tây chiếm 6 vị trí đầu bảng, sau đó là các nước châu Á-Thái Bình Dương với Australia thứ 7 và Singapore thứ 9, trên tổng số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Báo cáo nhận định rằng trong bối cảnh "ngành công nghiệp không khói" đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, cần rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng thời gian gần đây, đồng thời thực hiện các bước để tăng tính toàn diện, bền vững và khả năng phục hồi lâu dài trong lĩnh vực du lịch và lữ hành khi ngành này phải đối mặt với những thách thức và rủi ro gia tăng. Theo báo cáo, nếu đảm bảo được các yếu tố này, lĩnh vực du lịch có thể duy trì vai trò là động lực thúc đẩy kết nối toàn cầu, hòa bình và tiến bộ kinh tế - xã hội.
Trước đại dịch COVID-19, Nhật Bản đã hướng tới thúc đẩy du lịch trở thành lĩnh vực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế và đề ra mục tiêu đón 40 triệu lượt du khách nước ngoài vào năm 2020, khi nước này đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic, song kế hoạch này đã bị trì hoãn 1 năm do đại dịch.
Nhật Bản đã tạm ngừng đón du khách nước ngoài kể từ giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, thắt chặt kiểm soát biên giới hồi tháng 11/2021, theo đó cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài không cư trú tại Nhật Bản, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Nhật Bản bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới kể từ tháng 3/2022, dự kiến tăng lượng người được phép nhập cảnh lên 20.000 người/ngày kể từ tháng 6 tới.