Chính phủ Nhật Bản và Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn giữ nguyên khung thời gian thực hiện toàn bộ quy trình làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukushima dự kiến kéo dài từ 30 đến 40 năm kể từ năm 2011.
Hơn 4.700 thanh nhiên liệu vẫn đang còn nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại sau thảm họa. Đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi nếu xảy ra một thảm họa khác, các thanh này có thể nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ. Quy trình này lần gần nhất được dự kiến tiến hành trong khoảng 2023-2024.
Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, việc dỡ bỏ những thanh nhiên liệu này khỏi các tổ máy số 1 và số 2 được đẩy xuống 10 năm so với mốc 2018 đưa ra ban đầu. Việc dỡ các thanh niên liệu ở tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2027-2028 sau khi rác thải hạt nhân đã được dọn dẹp và hoàn thiện việc xây dựng các biện pháp bảo vệ phát tán bụi phóng xạ.
Việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu tại tổ máy số 2 sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2024-2026. TEPCO đã bắt đầu quá trình dỡ bỏ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở các tổ máy số 3 vào tháng 4/2019 và đã hoàn thiện công việc này ở tổ máy số 4, do tổ máy này không được vận hành trong thời điểm xảy ra thảm họa. Chính phủ Nhật Bản dự kiến hoàn thành việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu vào năm 2031 để đưa tới những thùng chứa khô.
Chính phủ Nhật Bản cho biết việc trì hoãn này nhằm đảm bảo chuẩn bị tốt các biện pháp an toàn như xây hàng rào xung quanh tổ máy số 1 để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ bụi phóng xạ và khử độc ở tổ máy số 2. Đây là lần thứ 4 quy trình này bị trì hoãn. Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết quy trình này rất khó khăn và khó lường, và giới chức luôn ưu tiên sự an toàn của nhân công và khu vực xung quanh.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu dọn dẹp khoảng 770.000 tấn rác thải hạt nhân tử 3 lò phản ứng có phần lõi đã tan chảy trong khoảng tháng 3/2021- 3/2022, bắt đầu từ tổ máy số 2, sử dụng robot hỗ trợ. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể chưa được công bố.
Việc xử lý khoảng 880 tấn nhiên liệu nóng chảy từ 3 lò phản ứng bị tan chảy cũng là thách thức lớn nhất và chưa từng có tiền lệ và đòi hỏi Nhật Bản phải phát triển những loại robot mới và xây dựng đội ngũ chuyên gia để hoàn tất công việc này.
Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ kiềm chế lượng nước nhiễm phóng xạ gia tăng tại nhà máy nhạt nhân này. Nước cho hệ thống làm lạnh những lõi hạt nhân bị nóng chảy cùng nước ngầm, lên tới tổng cộng 170 tấn/ngày. Chính phủ cam kết giảm xuống 100 tấn/ năm trước năm 2025.
Nước này sẽ qua xử lý để loại bỏ những thành phần phóng xạ và được trữ trong các bể chứa lớn tại các nhà máy. Cho tới nay, hơn 1 triệu tấn nước đã được tích trữ trong khi các bể chứa đều sẽ đầy vào mùa Hè năm 2022.
Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỷ yên (73 tỷ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thẻ lên tới 22.000 tỷ yên (200 tỷ USD). Nhật Bản cũng cần khoảng 10.000 công nhân mỗi năm trong những năm tới để thực hiện những công việc này và 1/3 trong số này sẽ làm việc tiếp xúc với nước nhiễm phóng xạ.
Trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng lão hóa, TEPCO từng có ý định thuê công nhân làm việc cho dự án làm sạch Fukushima theo chính sách mới cho phép những người lao động nước ngoài chưa có kinh nghiệm tham gia. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong quá trình cân nhắc trong thời gian chính phủ đưa ra hướng dẫn cụ thể về các vấn đề ngôn ngữ và an toàn.