Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Nếu xu hướng này biến thành một trào lưu thực sự, điều này có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau thảm họa và dẫn tới tình trạng rỗng ruột của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Nhiều công ty phụ tùng ô tô của Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Ảnh: Internet |
Trước ngày 11/3, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài để đối phó với hiện tượng đồng yên tăng giá. Xu hướng này trở nên mạnh hơn kể từ sau trận động đất kinh hoàng trên, nhất là trong số các tập đoàn lớn ở Nhật Bản. Chẳng hạn, Tập đoàn ô tô Nissan đã chuyển bộ phận sản xuất dòng xe March sang Thái Lan và dự kiến nhập khẩu thêm linh kiện ở nước ngoài. Trong kế hoạch kinh doanh công bố hồi tháng 4/2011, Tập đoàn Panasonic cũng đề cập tới kế hoạch chuyển một số bộ phận thu mua và hậu cần sang các quốc gia châu Á khác.
Kết quả thăm dò gần đây của Nikkei Inc. cho thấy, gần 40% tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể sẽ di chuyển một số hoạt động ra nước ngoài trong vòng 3 năm tới nếu tình hình ở trong nước không cải thiện. Về danh sách các bộ phận có thể sẽ di chuyển ra nước ngoài, 20% tập đoàn cho biết đó là “các cơ sở sản xuất không chủ chốt”; 17,1% cho biết đó là một số cơ sở nghiên cứu và phát triển; 10% cho rằng đó là một số bộ phận điều hành và cơ sở sản xuất chủ chốt. Điều này cho thấy hàng loạt hoạt động vẫn diễn ra ở trong nước có thể sẽ được di chuyển ra khỏi Nhật Bản.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có xu hướng di chuyển ra khỏi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Theo nhật báo Nikkei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, một trong những khách hàng cỡ bự của các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản, nằm trong số các doanh nghiệp này.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài là do đồng yên liên tục tăng giá so với USD và một số ngoại tệ mạnh khác trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này vẫn đang phải vật lộn với các hậu quả nghiêm trọng của thảm họa động đất và sóng thần. Hiện tượng đồng yên tăng giá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản trên các thị trường quốc tế, đồng thời làm giảm kim ngạch xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của nước này. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp ô tô, phải cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài là do tình trạng thiếu điện có thể kéo dài ở nước này. Kết quả thăm dò của Nikkei cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản muốn chính phủ nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu điện. Có 50,7% doanh nghiệp thấy cần phải có một chính sách năng lượng tổng thể, trong đó có các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện, trong khi chỉ có 36,4% cho rằng cần phải giảm thuế công ty. Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản Katsunori Nagayasu cảnh báo, nguồn cung điện không ổn định có thể sẽ “gây họa” cho ngành công nghiệp trong nước. Tổng Giám đốc Điều hành tập đoàn ô tô Nissan Toshiyuki Shiga gần đây đã bổ sung “nguy cơ thiếu điện” vào trong danh sách các “hiểm họa” đối với các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài các nhân tố trên, nhu cầu trong nước giảm do tình trạng lão hóa dân số cũng là một nhân tố khác khiến các doanh nghiệp Nhật Bản phải tính tới khả năng chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, gần đây, ông Akio Toyoda, Chủ tịch tập đoàn Toyota, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài “trong một sân chơi công bằng”.
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)