Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) đánh giá động thái này nằm trong nỗ lực của Tokyo từ 2023 nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động trong ngành công nghiệp.
Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản hồi tháng 3 đã nêu chi tiết kế hoạch đến năm 2030 dự kiến đào tạo được 30.000 lao động liên quan đến ngành công nghiệp pin. Lực lượng lao động hiện tại của ngành này là khoảng 10.000 người.
Bước đầu tiên, khoảng 40 học sinh sẽ tham gia một lớp học thử nghiệm bắt đầu từ tháng 12/2023 về công nghệ pin tại Đại học Công nghệ Osaka - trường nghề theo kiểu kosen. Tại ngôi trường này, thiếu niên sẽ trở thành kỹ thuật viên chuyên nghiệp sau 5 năm được đào tạo chuyên sâu. Ở Nhật Bản, kosen là cụm từ miêu tả các viện công nghệ đào tạo nghề cấp độ đại học cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đến năm 2024, các khóa học tương tự sẽ được cung cấp tại kosen, trường trung học và đại học ở các vùng khác của Nhật Bản.
Sinh viên sẽ sử dụng thiết bị sản xuất pin do Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia thuộc chính phủ cung cấp, tham gia các chuyến tham quan ảo đến nhà máy sản xuất pin xe điện và tìm hiểu cách công nghệ này đóng góp vào việc trung hòa carbon. Những người hướng dẫn bao gồm nhân viên đã nghỉ hưu từ các công ty sản xuất pin.
Giám đốc nhân sự của Panasonic Energy – ông Masaru Miki nhận định với Nikkei Asia rằng công ty năm nay đã thuê 50 học sinh từ kosen và trường trung học nhưng sẽ cần "nhiều hơn nữa". Công ty có kế hoạch thuê 5.000 nhân viên trên toàn cầu vào năm 2026, với khoảng 3.000 nhân viên ở Bắc Mỹ, nơi họ là nhà cung cấp pin chính cho Tesla.
Ông Masaru Miki cho biết việc tuyển công nhân sản xuất pin rất khó khăn vì đây là "loại hình sản xuất đặc biệt", đòi hỏi kiến thức về hóa học, kỹ thuật sản xuất hàng loạt và thiết kế cơ khí.
Nhà nghiên cứu Mitsutaka Fujita tại Techno Systems Research có trụ sở ở Tokyo cho biết: “Các kỹ sư giỏi về pin đang thiếu trên toàn thế giới. Bạn cần đào tạo kỹ sư và nhà thiết kế trước khi họ thành thạo tay nghề. Nhưng hiện tại họ đang thiếu ở mọi nơi".
Diễn biến tại Nhật Bản xảy ra trong bối cảnh các hãng sản xuất ô tô lớn công bố kế hoạch nhằm tăng năng lực sản xuất pin của họ. General Motors (Mỹ) có kế hoạch đến năm 2025 xây dựng bốn nhà máy pin lithium-ion. Ford Motor cũng dự định xây dựng ba nhà máy pin mới. Toyota sẽ bắt đầu sản xuất pin tại bang Bắc Carolina của Mỹ vào năm 2025.
Theo ông Masaru Miki , Panasonic đã đàm phán với một số trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ để giúp đào tạo công nhân cho các nhà máy mới mà họ dự định xây dựng ở xứ sở cờ hoa. Ông Masaru Miki chia sẻ: "Chúng tôi có thể cần một cái gì đó như 'lớp Panasonic', nếu muốn làm một cách chuyên sâu".