Đây là hiện tượng hiếm thấy tại Nhật Bản kể từ sau đại dịch SARS năm 2003, vì khẩu trang sử dụng một lần được coi là một trong những sản phẩm không thể thiếu ở “đất nước Mặt trời mọc”, nhất là trong mùa phấn hoa.
Dạo quanh các cửa hàng dược, mỹ phẩm (drugstore) hoặc các cửa hàng tiện lợi ở thủ đô Tokyo, đâu đâu cũng thấy treo biển “Hết khẩu trang”.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Okugiwa, một cư dân sống tại quận Shibuya, nói: “Cuối tháng trước, khẩu trang vẫn được bày bán bình thường, nhưng sang đến đầu tháng 2, đột nhiên cửa hàng này thông báo mỗi người chỉ được mua 2 hộp. Một ngày sau đó, tôi không mua được hộp nào. Mặc dù vậy, tôi không quá lo lắng vì tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn chưa đến mức xấu”.
Cùng chia sẻ, chị Kumano, nhân viên của một cửa hàng thời trang ở Sasazuka, nói: “Hiện nay, rất khó tìm khẩu trang, ở đâu cũng không có. Cách đây 2 tuần, tôi đã mua rất nhiều khẩu trang cho gia đình. Tuy nhiên, do không thể mua thêm nên có lẽ chúng tôi sẽ phải sử dụng một cách tiết kiệm”.
Tại Nhật Bản, người dân có thói quen sử dụng khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện. Khẩu trang cũng là vật dụng gắn bó với nhiều nhân viên tại các cửa hàng thực phẩm hoặc nhà hàng.
Nhu cầu khẩu trang ở nước này đã liên tục tăng trong vòng 1 thập kỷ qua. Đặc biệt, nhu cầu khẩu trang tăng mạnh vào mùa phấn hoa (khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3) và gây hiện tượng dị ứng phấn hoa cho nhiều người.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã sản xuất hơn 5,5 tỷ khẩu trang các loại, trong đó có 4,3 tỷ khẩu trang phục vụ cho nhu cầu cá nhân.
Chính vì vậy, tình trạng khan hiếm khẩu trang hiện nay khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bà Okugiwa chia sẻ: “Bình thường, tôi vẫn dùng khẩu trang để tránh bị dị ứng phấn hoa. Do đó, tình trạng khan hiếm khẩu trang hiện nay gây ra không ít phiền phức cho tôi”.
Tình trạng khan hiếm hiện nay đã dẫn tới hiện tượng đầu cơ và tăng giá. Trên mạng Internet, nhiều người đã rao bán khẩu trang với giá cắt cổ. Trên trang amazon.jp - một trong những trang thương mại trực tuyến phổ biến nhất ở Nhật Bản, giá khẩu trang Unicharm được chào bán với giá 5.500 yen (1,2 triệu đồng)/1 hộp 50 chiếc, cao hơn gần 6 - 7 lần so với trước đây. Thậm chí, có nơi còn nâng giá lên gần 9.000 yen/hộp.
Trong lúc khẩu trang khan hiếm, người dân Nhật Bản đã áp dụng nhiều cách khác nhau để phòng dịch nCoV. Anh Ikehata - nhân viên của một công ty ở Tokyo, nhận định: “Đúng là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang trở nên phổ biến. Các phương tiện thông tin liên tục đưa tin về dịch bệnh này. Tôi cho rằng tình trạng khan hiếm khẩu trang là do mọi người đổ xô đi mua để yên tâm hơn trong bối cảnh các chuyên gia y tế cho biết đeo khẩu trang có thể phòng dịch. Cá nhân tôi thì phòng dịch bằng cách rửa tay sạch sẽ và bật điều hòa ở nhiệt độ cao”.
Trong khi đó, bà Okugiwa chia sẻ, bà phòng chống nCoV bằng cách đeo khẩu trang, xịt cồn diệt khuẩn và súc miệng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến sáng 4/2, tổng số ca nhiễm chủng mới của virus nCoV gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở nước này là 23 người. Tuy nhiên, con số này có thể tăng mạnh trong thời gian tới nếu Chính phủ không thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch. Điều này khiến nhiều người lo ngại về những hậu quả của dịch bệnh.
Chị Kumano nói: “Chồng tôi vừa có chuyến công tác tới Việt Nam để tham dự một hội nghị lớn nhưng hội nghị này đã bị hoãn vì dịch bệnh. Tại Nhật Bản, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tăng lên. Thời gian tới, có thể sẽ có nhiều người không thể đi làm vì ảnh hưởng của dịch bệnh này”.
Trong khi đó, chị Ushiyama, đồng nghiệp của chị Kumano nói: “Tôi lo lắng rằng mình hoặc những người xung quanh mình có thể bị nhiễm bệnh”.
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp, đa số người dân nước này đều ủng hộ chính phủ hành động quyết liệt để ngăn chặn virus nguy hiểm này.
Trước đó, hôm 31/1, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn 2019-nCoV. Theo đó kể từ ngày 1/2, nước này không cấp phép nhập cảnh đối với bất cứ người nước ngoài nào đã trú tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trong thời gian 14 ngày trước khi tới nước này; những người có hộ chiếu do chính quyền tỉnh Hồ Bắc cấp; và những người nhiễm virus 2019-nCoV.