Theo một nghiên cứu đăng tải ngày 16/10 trên tạp chí khoa học điện tử Plos One của Mỹ, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) đã thành công trong việc tạo ra các tế bào có các đặc tính của tế bào sụn từ tế bào da người, sử dụng một phương pháp nhanh hơn cách tạo ra tế bào từ tế bào gốc.Kỹ thuật tạo ra tế bào từ tế bào gốc có thể giúp điều trị tổn thương sụn do bệnh hoặc chấn thương. Ảnh minh họa. Nguồn: khoahoc.com.vn
|
Nhóm nghiên cứu trên đã sử dụng phương pháp gọi là tái lập trình trực tiếp, theo đó cấy các gien vào tế bào da để trực tiếp tạo ra một loại tế bào khác. Với phương pháp này, thời gian cần thiết để tạo ra tế bào ngắn hơn so với phương pháp dựa vào tế bào gốc nhân tạo hoặc tế bào gốc vặn năng cảm ứng (iPS) là loại tế bào có thể phát triển thành bất cứ loại mô nào của cơ thể người. Kỹ thuật này có thể giúp điều trị tổn thương sụn do bệnh hoặc chấn thương.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một virút để đưa hai gen c-MYC và KLF4 - các gen cần thiết cho việc chế tạo tế bào iPS, cùng một gen khác là SOX9 cần cho phát triển tế bào sụn, vào trong tế bào da của một trẻ sơ sinh. Trong vòng 2 tuần, các tế bào mang những đặc tính của tế bào sụn đã hình thành, sau đó tạo nên mô sụn khi được cấy vào chuột thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu cho biết không phát hiện khối u nào sau quá trình này. Ngoài ra, thời gian để tạo ra số lượng tế bào đủ cho việc cấy ghép là khoảng 2 tháng, chỉ bằng một nửa thời gian cần thiết nếu sử dụng kỹ thuật về tế bào iPS.
Mặt khác, một thành viên nhóm nghiên cứu, giáo sư Noriyuki Tsumaki cho biết so với kỹ thuật liên quan tế bào iPS, phương pháp tái lập trình nói trên loại bỏ khả năng gây lây nhiễm của các tế bào chưa phân tách có thể phát triển thành khối u.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đang phải tìm cách khắc phục những vấn đề liên quan việc ứng dụng phương pháp này trong y học tái sinh, chẳng hạn việc sử dụng virút để vận chuyển gen.
TTXVN/ Tin tức