Trong một bài phát biểu, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga đã bày tỏ “sự hối hận chân thành và lời xin lỗi từ đáy lòng” tới các nạn nhân.
Theo Bloomberg, lời xin lỗi của người đại diện Chính phủ Nhật Bản được đưa ra ngay sau khi Quốc hội nước này cùng ngày ban hành một đạo luật nhằm cung cấp các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm khoản bồi thường 3,2 triệu yen (28.600 USD) cho mỗi nạn nhân.
Ước tính 25.000 người Nhật Bản, trong đó có phần lớn là phụ nữ bị khuyết tật, đã bị ép buộc triệt sản khi Luật Bảo vệ Ưu sinh được áp dụng từ năm 1948 đến tận năm 1996. Luật này được thiết kế nhằm “ngăn chặn những đứa trẻ chất lượng thấp chào đời” và cho phép bác sĩ triệt sản người khuyết tật. Nó được lặng lẽ đổi tên thành Luật Bảo vệ Thai sản vào năm 1996, khi những điều khoản phân biệt đối xử được xóa bỏ.
Luật khắc phục hậu quả mới được thông qua đã thừa nhận rằng nhiều người đã bị buộc phải phẫu thuật để loại bỏ các cơ quan sinh sản hoặc điều trị bức xạ để triệt sản, khiến họ đau đớn cả về tinh thần và thể xác.
Mãi cho đến gần đây Chính phủ vẫn bảo vệ quan điểm rằng việc triệt sản là hợp pháp tại thời điểm đó.
Lời xin lỗi và luật khắc phục hậu quả được đưa ra sau một loạt vụ kiện của các nạn nhân bị ép triệt sản, phá vỡ nhiều thập kỷ im lặng. Điều đó đã thúc đẩy các nhà lập pháp từ cả hai đảng cầm quyền và phe đối lập soạn thảo một gói bồi thường để đền bù cho hàng chục ngàn nạn nhân.
Các nguyên đơn đang tìm kiếm khoảng 30 triệu yen (268.000 USD) bồi thường cho mỗi người trong các vụ kiện pháp lý đang lan rộng khắp đất nước. Họ cáo buộc rằng việc chính phủ thực thi luật Bảo vệ Ưu sinh đã vi phạm quyền tự quyết, sức khỏe sinh sản và quyền bình đẳng của công dân. Các nguyên đơn cũng cho rằng các biện pháp khắc phục của chính phủ là quá nhỏ bé trước những đau khổ mà họ phải trải qua.
"Các cá nhân này đã bị vi phạm quyền sinh con và nuôi con của mình, vì vậy khoản tiền 3,2 triệu yen thanh toán một lần sẽ không có nghĩa lý gì so với thiệt hại của họ", ông Paji Niisato, luật sư đại diện cho một số nạn nhân, nói với tờ Guardian.
Theo Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, ngoài việc triệt sản bắt buộc, hơn 8.000 người khác đã được triệt sản với sự đồng ý, mặc dù có khả năng vẫn chịu áp lực, trong khi gần 60.000 phụ nữ đã phá thai vì bệnh di truyền.
Trong số đó có khoảng 10.000 bệnh nhân phong bị giam cầm trong các cơ sở biệt lập cho đến năm 1996, khi luật phòng chống bệnh phong cũng bị bãi bỏ. Chính phủ Nhật cũng đã đề nghị bồi thường và xin lỗi các bệnh nhân phong vì chính sách cô lập bắt buộc này.