Sau một triều đại được đánh dấu bởi sự đi xuống của sức mạnh kinh tế Nhật Bản, người dân “xứ Mặt trời mọc” lại đang thắp lên hy vọng hồi sinh đất nước khi một kỷ nguyên mới đang mở ra.

Thế giới còn ghi nhớ năm 1989 là một năm của những sự kiện xác định thời đại. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11 đã báo trước sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Tại Nhật Bản, năm 1989 mãi in sâu vào nhận thức dân tộc vì một lý do khác: Đó là năm mà triều đại Showa kết thúc.

Cái chết của Nhật hoàng Hirohito vào ngày 7/1/1989 đã chấm dứt 64 năm của kỷ nguyên Showa, giai đoạn mang trong mình đủ mọi cung bậc thăng trầm lịch sử, khi nước Nhật thất bại trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng sau đó vươn lên mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ kinh tế thần kỳ thời hậu chiến. Triều đại mới mang tên Heisei bắt đầu một ngày sau đó. Thái tử Akihito đăng cơ, trở thành Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản.

Thái tử Akihito trước lễ cưới vào năm 1959.

Sự thay đổi từ triều đại Showa sang Heisei đã có tác động thực tiễn ngay đến cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản. Trên lịch treo tường và các tài liệu chính thức, ngày 8/1/1989 trở thành ngày đầu tiên của năm Heisei 1 theo lịch Hoàng gia, được sử dụng song song với lịch Gregorian (Dương lịch).

Nhưng không chỉ có vậy, các triều đại Hoàng gia còn đóng vai trò là những dấu ấn tinh thần của thời đại, tương tự như cách mà nhiều thập kỷ đã phản ánh chủ nghĩa tư tưởng của thời kỳ đó. "Những năm 20 phồn thịnh" (The Roaring 20s) được nhớ đến như một thập kỷ thịnh vượng kinh tế Mỹ - thập kỷ của những bữa tiệc rượu gin, nhạc jazz và giải trí xa hoa; Những năm 1950 được “định nghĩa” bởi Marilyn Monroe và Elvis Presley, trong khi những năm 1960 gắn liền với The Beatles và sự phản kháng của tuổi trẻ.

Còn hiện tại, khi Nhật Bản chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên Heisei vào ngày 30/4 tới, thời điểm Hoàng đế Akihito thoái vị, đất nước đã trải qua thời kỳ 30 năm thăng trầm, với nhiều lo lắng khi vị thế của nước Nhật trên đà đi xuống. Người dân Nhật Bản lúc này đang thắp lên hy vọng về sự đổi thay mà một triều đại mới, triều đại Reiwa, có thể ghi dấu vào lịch sử đất nước.

Triều đại Heisei bắt đầu trong bối cảnh sự điên cuồng của những bong bóng đầu cơ và những cuộc trò chuyện hào hứng về một cuốn sách mang tên "Nhật Bản là số một". Vào mùa Thu năm 1989, Sony mua lại Columbia Pictures của Hollywood và Mitsubishi Estate mua Trung tâm Rockefeller ở giữa New York - hai hợp đồng khổng lồ mà người Mỹ từng coi là dấu hiệu cho sự suy giảm vị thế của đất nước họ.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, bong bóng đầu cơ ở Nhật Bản đã nổ tung, gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính toàn diện, mở đường cho hai "thập kỷ mất mát”.

Kể từ đó, sức mạnh kinh tế của Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt qua. Vinh quang của một cường quốc điện tử nổi tiếng thế giới dần phai mờ. Nhật Bản trở thành một quốc gia của những người già, với dân số sụt giảm nhanh chóng.

Nhật Bản đã để mất vị trí cường quốc điện tử số một thế giới... Ảnh: Kyodo
 
...Và dần trở thành một nước dân số già. Ảnh: appleinsider

Vì vậy, có lẽ không quá ngạc nhiên khi một số người đang hy vọng triều đại Hoàng gia mới sẽ đánh dấu một bước ngoặt. Một số người lạc quan nhớ lại rằng Thế vận hội Mùa hè 1964 ở Tokyo đã đánh dấu sự xuất hiện của Nhật Bản sau chiến tranh trên trường quốc tế và tự hỏi liệu Thế vận hội 2020 có thể mang lại một phép màu tương tự.

"Nhật Bản có nhiều thách thức mà tất cả chúng ta đều biết: bất bình đẳng giới, mất cân bằng cuộc sống - công việc, một xã hội già cỗi. Nhưng đó cũng là một xã hội đầy tinh thần tương trợ", bà Nancy Snow, Giáo sư ngoại giao công chúng tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, nói. "Đất nước này làm ra những thứ mà thế giới muốn và là một nơi mà tương lai là hiện tại”.

Song có những người khác lại không chắc chắn như vậy. Thay vì đổi mới để ứng phó với các vấn đề của mình, Nhật Bản đã không tạo ra một hệ thống an sinh xã hội đầy đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp tới, Yasunori Sone, nhà khoa học chính trị và Giáo sư danh dự của Đại học Keio ở Tokyo nhận xét. "Quá trình già hóa sẽ còn tiếp tục. Dân số sẽ giảm nhiều hơn. Khoảng cách thu nhập sẽ ngày càng lớn. 30 năm tới sẽ là một giai đoạn khó khăn hơn so với 30 năm qua. Nhưng người Nhật lại không có cảm giác cấp bách. Giống như ‘con đà điểu đang vùi đầu vào cát” (câu thành ngữ ám chỉ sự chối bỏ một thực tế gì đó). Cuộc sống vẫn rất hợp lý, miễn là họ không nghĩ về tương lai”, ông Yasunori Sone nói.

Thời đại Heisei cũng là thời kỳ hỗn loạn chính trị sâu sắc. Hầu hết các thủ tướng Nhật Bản trong thời kỳ này đã từ chức sau khoảng 1 năm lên cầm quyền, ngoại trừ trường hợp ngoại lệ là Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe và cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, cả hai đã tại nhiệm trong hơn 5 năm. Trong suốt 30 năm Heisei, Nhật Bản đã trải qua 17 đời thủ tướng thuộc 5 đảng khác nhau.

Hai vụ bê bối tham nhũng lớn - vụ bê bối “đổi cổ phần lấy ưu đãi chính trị” và bê bối quyên góp mang động cơ chính trị của Sagawa Express - nổ ra vào đầu thời kỳ Heisei, đã gây ra sự hoài nghi mạnh mẽ của công chúng về chính trị.

Bê bối này đã dẫn đến những cải cách chính trị triệt để và thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống chính quyền. Kết quả là Đảng Dân chủ Tự do (LDP) – đảng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ tái thiết kinh tế sau chiến tranh – đã bị chia tách và hai lần sụp đổ quyền lực trong thời kỳ Heisei.

Sau 3 đời Thủ tướng của đảng Dân chủ (DPJ), Thủ tướng Shinzo Abe của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã lãnh đạo đất nước trong hơn 5 năm qua.

Các cử tri Nhật Bản đã đặt hy vọng vào một hệ thống chính trị được thiết kế để thúc đẩy chuyển giao quyền lực thường xuyên giữa hai đảng lớn, tương tự như ở Anh và Mỹ. Nhưng chính phủ “phi LDP” do Đảng Dân chủ lãnh đạo, xuất hiện trong những năm cuối của Heisei, hoạt động yếu kém đến mức Thủ tướng Abe gần đây đã chế giễu màn thể hiện quyền lực của họ là "cơn ác mộng".

Chính điều này đã mở đường cho sự trở lại quyền lực của LDP với tư cách là đảng cầm quyền thống trị Nhật Bản. Ngay cả hiện tại, phe đối lập vẫn bị chia rẽ sâu sắc và có rất ít triển vọng thay thế được LDP một lần nữa.

Từ "Heisei" (âm Hán Việt là Bình Thành) xuất phát từ văn học cổ Trung Quốc, với hàm ý chung là "thái bình muôn nơi". Niên hiệu này đã được lựa chọn với hy vọng của người Nhật về nền hòa bình ở cả trong và ngoài nước, khi những ký ức về cuộc chiến tàn phá đất nước trong nửa đầu của thời kỳ Showa (Chiêu Hòa) vẫn còn hằn sâu.

Và đúng như niên hiệu được chọn, Nhật Bản đã không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào dưới thời Heisei. Nhưng thế giới bên ngoài Nhật Bản thì không hoàn toàn yên bình. Nhiều nơi khác phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố và trật tự thế giới đã thay đổi đáng kể. Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, người từng tham dự đám tang của Hoàng đế Showa, đã chứng kiến sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và tuyên bố sự ra đời của "trật tự thế giới mới". Ông chủ hiện tại của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump, lại theo đuổi chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết".

Vào đầu kỷ nguyên Heisei, khi thế giới tưởng như bước vào một thời kỳ hòa bình lâu dài, đã có một cảm giác hưng phấn tràn ngập khắp Nhật Bản. Đất nước đã tự khôi phục và vươn lên mạnh mẽ để gia nhập hàng ngũ các cường quốc hàng đầu thế giới và trở thành một đối thủ nặng ký với Mỹ.

Nhưng ba thập kỷ trôi qua, cảm giác đó đã phai mờ từ lâu, và thời đại Heisei sắp kết thúc giữa một đám mây mơ hồ về thời đại mới sắp tới.

Trước thời Meiji (Minh Trị, 1868 - 1912), tên niên hiệu thường được thay đổi để đánh dấu dấu thời điểm quốc gia hứng chịu những tai ương lớn, như thiên tai hay nạn đói, hoặc ghi dấu những sự kiện tốt lành. Tuy nhiên, kể từ thời Meiji, nguyên tắc một niên hiệu cho mỗi hoàng đế đã được tuân thủ. Mặc dù vậy, một niên hiệu mới vẫn mang lại một sự thay đổi lớn trong tâm thức chung của mọi người, như trường hợp chuyển từ thời Showa sang thời Heisei.

Và kể từ ngày 1/5, khi Thái tử Naruhito lên ngôi, một triều đại mới mang niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “sự hài hòa đẹp đẽ”, sẽ chính thức bắt đầu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một niên hiệu được lấy từ câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là “Vạn Diệp Tập" thay vì văn học cổ Trung Quốc.

Trong bài phát biểu sau khi công bố cái tên Reiwa, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của niên hiệu mới, ông giải thích rằng nó phản ánh cách văn hóa được sinh ra và phát triển khi mọi người đến với nhau và “chăm sóc cho nhau một cách đẹp đẽ”.

Nhìn lại lịch sử của Nhật Bản trong hai thế kỷ qua, với 4 triều đại Hoàng gia: Ở thời đại Meiji, nước Nhật đang “trẻ trung” trong nỗ lực hiện đại hóa nhằm bắt kịp với các cường quốc phương Tây, trong đó có việc “đồng bộ” cả lịch; Thời đại Taisho ngắn và hầu như không được nhớ đến nhưng đây là một kỷ nguyên quan trọng nhờ sự xuất hiện một phong trào chính trị toàn quốc được gọi là Dân chủ Taisho. Hiến pháp năm 1890 và hệ thống nghị viện cũng được đặt nền móng vững mạnh vào những năm 1910 và 1920;

Rồi đến triều đại Showa, Nhật Bản trở thành một quốc gia “trưởng thành”, nhưng đã trải qua cả thiên đường và địa ngục. Trong nửa đầu của thời kỳ này, nước Nhật đã từng rất kiêu ngạo và liều lĩnh, dẫn đến hậu quả thảm khốc. Trong nửa thứ hai, người Nhật rút được bài học từ lịch sử và ra sức khôi phục đất nước, khiến cả thế giới phải ngả mũ kính nể; Còn ở thời kỳ Heisei đang kết thúc, nước Nhật bắt đầu già đi, không còn trẻ trung và tràn đầy sức sống nữa. Dân số ngừng tăng và nền kinh tế bắt đầu khó khăn.

Reiwa - được chọn là niên hiệu mới của Nhật Bản. Ảnh: Japantimes

Tâm lý tập thể của người Nhật dường như cũng thay đổi khi chuyển từ thời đại này sang thời đại khác. Chẳng hạn, trong khi các “chiến binh” thời Showa sẵn sàng làm việc một cách tàn nhẫn với bản thân trong nhiều giờ, thanh niên Nhật Bản sinh ra trong thời đại Heisei lại không như vậy. “Những người trẻ Heisei Nhật Bản nhìn thấy một tương lai nơi họ sẽ không sống mạnh mẽ như những người tiền nhiệm Showa. Họ không có nhiều mục đích như thế hệ trước”, Giáo sư Nancy Snow phát biểu dựa trên quan sát các sinh viên đại học Nhật Bản trong lớp học của bà.

Và giờ đây, khi chuyển từ thời kỳ Heisei sang kỷ nguyên mới Reiwa, các nhà lãnh đạo Nhật đang tràn đầy hy vọng đây là cơ hội lớn để thúc đẩy tinh thần Nhật Bản, đưa đất nước một lần nữa hồi sinh trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ mới.

Dưới triều đại Heisei, Nhật hoàng Akihito đã hiến dâng trọn vẹn năng lượng của mình để hoàn thành vai trò được giao phó trong Hiến pháp. Cùng với Hoàng hậu Michiko, Nhật hoàng đã làm tròn bổn phận là “biểu tượng quốc gia, biểu tượng cho sự đoàn kết của người dân” Nhật Bản, bằng cả trái tim, trí tuệ và sức mạnh.

Video Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm hỏi các nạn nhân thảm hoạ động đất - sóng thần ở Fukushima năm 2011 (Nguồn: euronews):

Nhưng 30 năm của triều đại Heisei cũng là một thời kỳ đình trệ về kinh tế với nước Nhật. Trong 3 thập niên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản đã giảm một nửa nếu xét về sức mua tương đương, trong khi sức cạnh tranh quốc tế thì rơi từ vị trí dẫn đầu xuống thứ 25 (theo đánh giá của Viện Quốc tế về Quản lý phát triển – IIMD). Khi kỷ nguyên Heisei bắt đầu năm 1989, 14 công ty Nhật Bản nằm trong Top 20 doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về giá trị thị trường. Còn ngày nay, tất cả các công ty Nhật đều rơi khỏi Top 20 và công ty số một cũng chỉ xếp hạng 35.

Tại sao như vậy? Có thể đưa ra một lý do ngắn gọn: Các công ty Nhật Bản đã thất bại trong việc trình làng những sản phẩm sáng tạo trong hơn 30 năm qua. Nhật Bản không sở hữu một biểu tượng khởi nghiệp nào ra đời trong 10 năm qua, một start-up có tiềm năng trở thành một thế hệ GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple) kế tiếp. Trong khi đó, Mỹ sở hữu tới 150 “chú kỳ lân” (biểu tượng cho các start-up xuất sắc) như vậy, Trung Quốc sở hữu 70, Ấn Độ 17 và EU 31.

Những "người khổng lồ" điện tử Nhật Bản một thời như Sharp, Toshiba, Panasonic... đều rơi vào khó khăn. Ảnh: Bloomberg
 
...và để mất vị thế vào tay những "người chơi" mới từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh: Cnet

Nhưng vì sao không một start-up "kỳ lân” nào ra đời tại Nhật Bản trong suốt 30 năm Heisei?

Nước Nhật chưa thể thoát ra khỏi trải nghiệm thành công của ngành công nghiệp sản xuất ở thời kỳ hậu Thế chiến. Ngành sản xuất của Nhật có năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng chỉ chiếm trên 20% GDP, và không thể là động cơ chèo lái nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hiện nay. Để đạt tới thành công mới, sức cạnh tranh mới, Nhật Bản cần đưa ra được những dịch vụ và giá trị bổ sung. Tuy nhiên, nước Nhật lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực trẻ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo cần cho quá trình đó.

Những người chèo lái GAFA và các start-up của kỷ nguyên công nghệ 4.0 không phải tuýp người siêng năng, kiên nhẫn và tuân lệnh cấp trên như tuýp người mà ngành công nghiệp sản xuất của Nhật Bản cần tới. Họ là những người giống như Steve Jobs, cá tính và tự do suy nghĩ, sáng tạo.

Vì thế, dưới triều đại mới Reiwa, nước Nhật sẽ phải có cách tiếp cận mới trong giáo dục, để có thể cung cấp một thế hệ lao động mới với cá tính khác biệt và đa dạng. Sự hồi sinh một nước Nhật trẻ trung có thể đạt được bằng cách nuôi dưỡng hai giá trị này và gieo trồng nó ở những thế hệ trẻ nhỏ.

Sự kết thúc của kỷ nguyên này sẽ là mở đầu của một kỷ nguyên mới, đó là vòng tuần hoàn của vạn vật. Một đất nước với nền văn hoá đầy bản sắc cùng thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa như Nhật Bản sẽ tiếp tục vững bước vào tương lai. Mỗi người dân Nhật Bản sẽ giống như bông hoa mơ nở rộ trong mùa xuân sau những ngày đông giá rét. Triều đại Reiwa bắt đầu sẽ củng cố thêm niềm tin rằng mỗi bông hoa sẽ nở thật rực rỡ như tương lai ở “xứ sở Mặt trời mọc”.

Bài viết: Thu Hằng
Trình bày: Hồng Hạnh

21/04/2019 10:40