Nhật Bản cân nhắc dỡ bỏ nhiều hạn chế từ tháng 11

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn quy định yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động kể từ tháng 11 tới trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát ở nước này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong phát biểu ngày 17/10, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa nêu rõ cơ quan chức năng sẽ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động (của nhà hàng và quán bar) nếu số ca mắc mới không tăng trở lại kể từ tháng 11 năm nay. 

Bộ trưởng Yamagiwa cho biết thêm Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị để nới lỏng hơn nữa quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào nước này có chứng chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Trong gần 2 tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã lắng dịu ở Nhật Bản. Ngày 17/10, nước này chỉ ghi nhận thêm 429 ca mắc mới và 13 ca tử vong vì COVID-19, trong khi số bệnh nhân nặng cũng giảm còn 317 người. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca mắc mới ở nước này nằm ở dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số ca mắc mới ở Nhật Bản giảm mạnh từ mức đỉnh 25.892 ca được ghi nhận vào ngày 20/8 là do những thành công trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở nước này. Theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tính đến ngày 14/10, có gần 94,6 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 74,96% dân số nước này, trong đó 83,66 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Nếu tính riêng nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản còn cao hơn rất nhiều. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêm chủng đối với người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 29,1% dân số Nhật Bản, lên tới 90% đối với những người tiêm đủ 2 mũi và 91,1% đối với người đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11. Sau đó, Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung vào tháng 12.

Mặc dù dịch COVID-19 đã lắng dịu nhưng ông Tateda Kazuhiro, Giáo sư Đại học Toho, nói: “Trong bối cảnh mùa Thu và mùa Đông đang tới, số ca mắc mới có thể sẽ gia tăng trở lại do các nhân tố mùa vụ… Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho dù họ đã tiêm phòng hay chưa tiêm phòng”.

Nhằm chuẩn bị ứng phó với khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm khác, Chính phủ Nhật Bản thông báo đang bố trí thêm nhiều giường dành cho các bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã chỉ thị cho chính quyền các tỉnh, thành sẵn sàng tiếp nhận thêm 20% bệnh nhân so với số lượng bệnh nhân mà họ đã chữa trị trong làn sóng dịch thứ 5 vào mùa Hè vừa qua.

* Trong diễn biến tích cực cùng ngày, sau gần 4 tháng học tập trực tuyến từ nhà, hàng nghìn trẻ em thành phố Sydney thuộc bang New South Wales của Australia đã trở lại trường học. Thành phố lớn nhất quốc gia châu Đại Dương đang nới lỏng thêm nhiều biện pháp hạn chế chỉ một tuần sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19.  

Tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng nhanh hơn dự kiến đã giúp đẩy nhanh kế hoạch dỡ bỏ thêm các biện pháp hạn chế sớm khoảng một vài ngày khi bang New South Wales dẫn đầu cả nước với tỷ lệ người dân trên 16 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đạt mức 80% vào cuối tuần qua. Giới chức trước đó cam kết sẽ từng bước nới lỏng hạn chế khi tỷ lệ tiêm phòng đạt các mốc 70%, 80% và 90%. 

Theo đó, đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc tại các văn phòng làm việc. Số lượng người tập trung ngoài trời và trong nhà cũng sẽ được tăng lên. Các cửa hàng bán lẻ, quán rượu và phòng tập thể thao có thể đón thêm nhiều khách hàng đã tiêm phòng. Các hộp đêm có thể mở cửa và phục vụ khách tại chỗ, trong khi các đám cưới được phép tổ chức không giới hạn số lượng khách mời. Ngoài ra, học sinh mầm non, lớp 1 và lớp 12 được trở lại trường, trong khi các cấp học khác nối lại học tập trực tiếp từ tuần tới.  

Với 265 ca trong ngày 17/10, số ca mắc mới COVID-19 tại New South Wales tiếp tục xu hướng giảm và đây là mức thấp nhất trong 10 tuần qua. 

* Cùng ngày, Chính phủ Nam Sudan thông báo sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm đại trà và tiêm chủng bắt buộc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

Ông John Rumunu, quan chức phụ trách ứng phó dịch COVID-19, cho biết hoạt động xét nghiệm đại trà sẽ được thực hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán nhanh để đánh giá mức độ dịch bệnh trong nước.   

Ông Rumunu cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ các hướng dẫn y tế dự phòng về COVID-19 như bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn tay thường xuyên và tránh đến những địa điểm đông người.

Bà Sacha Bootsman, quan chức phụ trách xử lý bùng phát COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ cho đến nay mới có 0,3% trong dân số 12,2 triệu dân của Nam Sudan đã được tiêm chủng.

* Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Du lịch Tanzania Damas Ndumbaro ngày 17/10 cho biết nước này đã phân bổ 90,6 tỷ shilling (39,2 triệu USD) để thực hiện 23 dự án khôi phục ngành du lịch, vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Các dự án này gồm có cải tạo một số cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống an ninh mới, mua các thiết bị đo thân nhiệt và mua phương tiện giao thông mới. Ngoài ra, một phần của khoản tiền trên sẽ được sử dụng để cải tạo các tuyến đường dẫn đến các công viên quốc gia Serengeti, Mkomazi, Tarangire, Nyerere, Kilimanjaro, Saadani và Gombe. Số tiền này cũng sẽ đóng góp vào nỗ lực bảo tồn các khu rừng do Cơ quan Dịch vụ Lâm nghiệp Quốc gia Tanzania quản lý.

Bộ trưởng Ndumbaro nêu rõ khoản tiền này nằm trong khuôn khổ gói viện trợ trị giá 567,25 triệu USD được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt vào tháng 9 vừa qua. Quyết định phê duyệt cho Tanzania dựa trên Cơ sở Tín dụng Nhanh và Công cụ Tài trợ Nhanh của IMF, qua đó giúp nhà chức trách thực hiện các khoản chi cấp bách nhất trong đại dịch COVID-19.

Thanh Tùng - Tấn Đạt - Minh Tâm (TTXVN)
Chính phủ Nhật Bản công bố đề cương kế hoạch ứng phó với dịch bệnh
Chính phủ Nhật Bản công bố đề cương kế hoạch ứng phó với dịch bệnh

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15/10, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bản đề cương kế hoạch mới để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó cam kết củng cố hệ thống y tế để tăng năng lực tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của các bệnh viện thêm 20% so với thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 5 vào mùa Hè này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN